Khu vực mới lấn chiếm thêm của hộ bà Cẩm.
|
Lấn cảng làm kiot
Người dân sinh sống, kinh doanh xung quanh khu vực cảng Sa Kỳ phản ánh, nhiều năm qua, hộ gia đình Nguyễn Thị Như Cẩm (thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã ngang nhiên lấn chiếm vùng nước của cảng, làm cản trở tàu thuyền và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho tàu thuyền, hành khách khi tàu cập cảng.
“Lái tàu giờ chỉ lần lỡ tay tí chút là có tai nạn ngay, nhà bà Cẩm cứ lấn mãi thế này mà không thấy bị xử lý, ai cũng bức xúc và khó hiểu”, một người dân cho biết.
Không những lấn cảng, gia đình bà Cẩm còn lấn cả hành lang đường Quốc lộ 24 để mở rộng, cơi nới thêm cơ sở kinh doanh. Gần đây nhất là vào đầu tháng 1/2020, gia đình bà Cẩm tiếp tục dùng ghe chở đá đổ lấn chiếm vùng nước cảng Sa Kỳ để bồi đắp và cơi nới 1 lô đất mới, có chiều rộng 5m theo mặt tiền đường Quốc lộ 24 và dài 7m (so với bờ).
Khu vực cảng Sa Kỳ mỗi ngày có nhiều tàu thuyền và hành khách ra vào.
|
“Họ thuê đổ đá vào thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí đổ ngay trong đêm, sáng ra ai thấy cũng ngỡ ngàng. Cảng Sa Kỳ là nơi mỗi ngày có rất đông tàu bè và hành khách, việc lấn chiếm của nhà bà Cẩm gây khó khăn cho vận tải ở đây”, một cán bộ ở cảng Sa Kỳ cho hay.
Ước tính, tổng diện tích gia đình bà Cẩm xâm lấn đã đạt xấp xỉ 3 kiot. Tại nơi buôn bán, kinh doanh sầm suất như khu vực cảng Sa Kỳ, mỗi kiot trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Vi phạm có… thâm niên
Ông Lê Tấn Hải - Giám đốc Ban quản lý (BQL) cảng và đường thủy nội địa (Sở Giao thông vận tải) tỉnh Quảng Ngãi xác nhận: "Tình trạng lấn chiếm trái phép của gia đình bà Cẩm (tại vị trí trên) đã diễn ra từ năm 2015, trước cả thời điểm tôi về nhận công tác ở đây. BQL Cảng đã nhiều lần báo cáo và có văn bản gửi cấp ngành địa phương và tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi đối với việc lấn chiếm trên.
|
Cũng theo ông Hải, vị trí gia đình bà Cẩm lấn chiếm kéo dài từ bờ ra hàng chục mét, nằm sát với khu vực tàu khách tuyến Lý Sơn - Sa Kỳ cập cảng để đón, trả khách, do đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: "Gia đình bà Cẩm có thái độ, lời nói bất hợp tác với cơ quan chức năng".
Lật giở tập hồ sơ dày cộm liên quan đến vụ việc gia đình bà Nguyễn Thị Như Cẩm từ năm 2015 đến nay cho thấy, đã có rất nhiều biên bản, công văn của các ngành chức năng từ địa phương đến tỉnh chỉ đạo triển khai xử lý vụ việc này. Tuy nhiên, thực tế là hiện tại, không những không bị xử lý, tháo dỡ phần diện tích vi phạm mà gia đình bà Cẩm vẫn ngang nhiên… lấn tiếp.
Tàu thuyền dễ gặp tai nạn do vùng mặt nước của cảng bị thu hẹp.
|
“Nhiệm vụ của BQL cảng là báo cáo vụ việc cho ngành chức năng xử lý. Nhưng trải qua nhiều năm như vậy vẫn không được giải quyết triệt để, đồng thời diên tích lấn chiếm cứ tiếp tục tăng là điều không thể chấp nhận. Nếu cứ như thế này sẽ tạo tiền lệ xấu cho những hộ khác trong vùng, họ cứ theo “gương xấu” của nhà bà Cẩm, tiếp tục xâm lấn trái phép khu vực mặt nước của cảng”, Giám đốc Ban quản lý cảng và đường thủy nội địa nói.