Liên quan đến kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đầu tư phát triển đường bộ cao tốc nói riêng là rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên việc phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 được triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Công trình được hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 4/2022 theo quy mô phân kỳ, giai đoạn 1 đầu tư và khai thác với 4 làn xe, có bố trí làn dừng xe khẩn cấp cách quãng. Tuy nhiên, việc vận hành tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ còn một số hạn chế như tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời, tốc độ khai thác chưa cao, chưa có làn dừng khẩn cấp...
|
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ được mở rộng lên 8 làn xe và đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận mở rộng lên 6 làn xe. Ảnh: N.T |
Bộ GTVT cho biết, để khắc phục hạn chế trong vận hành, khai thác đường bộ cao tốc có quy mô phân kỳ, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy mô hoàn chỉnh và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền khi đủ điều kiện.
Khi triển khai đầu tư mở rộng tuyến đường nói trên theo quy mô quy hoạch sẽ thực hiện việc xây dựng làn dừng xe khẩn cấp.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương sẽ được mở rộng lên 8 làn xe và đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận mở rộng lên 6 làn xe.
Tuyến cao tốc này có lưu lượng phương tiện lớn, tăng đều theo hàng năm do vậy đến hết năm 2023 Bộ GTVT đã nhận được nhiều đề xuất của doanh nghiệp xin đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương- Mỹ Thuận theo hình thức BOT.