Theo Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2024, Cục Đường bộ Việt Nam được giao 11.500 tỷ đồng cho công tác bảo trì đường bộ. Hết tháng 6/2024, các đơn vị mới giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch giao. Nhiều sở GTVT giải ngân vốn bảo trì đường bộ không đạt yêu cầu.
Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 15% gồm: Sở GTVT Tây Ninh 3,7%, Sở GTVT Vĩnh Phúc 5,28%, Sở GTVT Nam Định 8,1%, Sở GTVT Khánh Hòa 8,5%, Sở GTVT Quảng Ninh 10%, Sở GTVT Hòa Bình 12%, Sở GTVT Kiên Giang 13%, Khu Quản lý đường bộ II 13%, Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu 13%, Sở GTVT Quảng Ngãi 14,1%.
Một số đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng thi công rất chậm. Có 70/147 công trình đã được bố trí vốn chưa triển khai thi công, trong đó, Khu Quản lý đường bộ 4 còn 15/84 công trình, Sở GTVT Hòa Bình còn 8/15 công trình, Vĩnh Phúc còn 3/3, Cao Bằng còn 5/15, Quảng Ngãi 10/10 công trình. Việc bảo trì chậm có thể làm phát sinh nguy cơ hư hỏng, xuống cấp đường.
|
Vốn cho bảo trì đường bộ hiện giải ngân rất chậm. Ảnh minh hoạ |
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm, Cục Đường bộ đã yêu cầu các khu quản lý đường bộ, các sở GTVT, ban QLDA khẩn trương lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, kịp thời báo cáo các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Cùng đó, rà soát, đăng ký lại kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân 100% vốn được giao.
Đối với kế hoạch bảo trì năm 2025, Cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để đầu năm có thể triển khai ngay, đảm bảo tiến độ giải ngân.
Với các đơn vị trực thuộc là các khu quản lý đường bộ, các ban QLDA chậm giải ngân, Cục Đường bộ VN sẽ chấn chỉnh nghiêm. Đối với các sở GTVT, nếu vẫn tiếp tục chậm giải ngân sẽ thu hồi ủy thác quản lý quốc lộ.
Trong tháng 7, Cục Đường bộ phê duyệt kế hoạch và kiểm điểm tiến độ giải ngân của các đơn vị theo từng tháng. Đến cuối năm nếu thực hiện không đạt như cam kết sẽ xử lý về công tác cán bộ.
Liên quan vấn đề này, các đơn vị được giao quản lý quốc lộ có ý kiến, các dự án sửa chữa định kỳ nhất là công trình xử lý bão lũ thường xuyên có điều chỉnh. Hay hư hỏng mặt đường, từ khi lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đến khi triển khai thi công có nhiều thay đổi. Phát sinh bất kỳ nội dung gì cũng phải trình Cục Đường bộ Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian khiến việc bảo trì bị chậm tiến độ.
Cục Đường bộ Việt Nam đang kiến nghị Bộ GTVT phân cấp, ủy quyền để đơn vị này linh hoạt điều chỉnh các danh mục dự án bảo trì, các nhiệm vụ đã được phê duyệt, đảm bảo giải ngân tối đa nguồn vốn.