Sóc Sơn: Dự án làm đường gần 10 năm chưa xong giải phóng mặt bằng

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2009, tuy nhiên, đến nay sau gần 10 năm, Dự án Xây dựng đường nối Quốc lộ 3 - Cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Soc Son: Du an lam duong gan 10 nam chua xong giai phong mat bang - Hinh anh 1
Dự án xây dựng đường nối Quốc lộ 3 - Cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn vẫn chưa hoàn thành sau gần 10 năm được phê duyệt

Đổi đất cho thôn, không lấy lại được

 Theo tìm hiểu, Dự án trên được TP phê duyệt tại Quyết định số 1501/QĐ-UBND ngày 1/9/2009. Tổng mức đầu tư Dự án sau điều chỉnh là 360 tỷ đồng. Từ thời điểm khởi công năm 2010 đến năm 2013, TP đã bố trí trên 216 tỷ đồng để triển khai. Tuy nhiên, do ngân sách khó khăn nên trong giai đoạn 2014 - 2016, các hạng mục công trình phải tạm dừng thi công. Trong hai năm 2017 - 2018, Hà Nội tiếp tục bố trí 120 tỷ đồng để thực hiện.

Bên cạnh khó khăn về vốn, công tác GPMB những năm qua gặp nhiều khó khăn khiến Dự án bị chậm tiến độ. Đặc biệt, có một hộ dân địa phương loay hoay xử lý suốt nhiều năm qua chưa ổn thỏa, đó là trường hợp hộ bà Trịnh Thị Tứ. Gia đình bà Tứ sử dụng mảnh đất 1.740,5m2 tại thôn Hương Đình Đông (xã Mai Đình) từ năm 1999. Diện tích này nằm trong phạm vi GPMB của Dự án. Đây là mảnh đất được thôn Hương Đình Đông đổi lấy 934m2 đất thổ cư của gia đình bà Tứ để mở rộng khuôn viên đình, chùa. Thửa đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng số D 0161628 từ năm 1994.  

Việc đổi đất giữa thôn Hương Đình Đông với gia đình bà Trịnh Thị Tứ được Chi bộ thôn Hương Đình Đông thông qua ngày 9/11/1999 và tại hội nghị họp dân ngày 15/4/2000. Sau khi đổi đất, thôn Hương Đình Đông đã xây dựng khuôn viên đình, chùa trên mảnh đất 934m2 của gia đình bà Tứ đã đổi để lấy 1.740m2 đất ở hiện tại. Do đó, việc trả lại đất cho hộ bà Tứ là không thể thực hiện được.

Kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn cho biết, theo Luật Đất đai năm 2013, các Nghị định số 43 và 45 năm 2014 của Chính phủ, hộ bà Trịnh Thị Tứ chỉ được bồi thường 180m2 đất ở. Gia đình bà Tứ không đồng ý với phương án hỗ trợ GPMB trên nên không bàn giao đất.
Trước vướng mắc, bất cập nêu trên, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho hộ bà Tứ, UBND huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 1328/UBND-TNMT ngày 11/7/2018 gửi Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) để xin ý kiến hướng dẫn. Ngày 12/10/2018, Tổng cục Quản lý đất đai có Văn bản số 1839/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ, trong đó, có nội dung: “Đề nghị áp dụng chính sách hỗ trợ khác theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ cho hộ ông Nguyễn Văn Mờ (là chồng bà Trịnh Thị Tứ và hiện nay đã mất - PV), với mức hỗ trợ tương đương với mức bồi thường về đất”.  

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, việc dự án kéo dài khiến cuộc sống của gia đình bà Tứ hết sức khó khăn. Gia đình thuộc diện hộ nghèo với 15 nhân khẩu đang phải sống chung trong căn nhà cấp IV rộng 60m2. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, huyện Sóc Sơn đã có báo cáo kiến nghị TP cho phép áp dụng chính sách hỗ trợ khác theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, và khoản 5 Điều 24 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, mức hỗ trợ tiền mặt cho hộ bà Tứ là trên 4,36 tỷ đồng (bao gồm tiền bồi thường đất ở - đất vườn liền kề - đất nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm); cùng với đó là 440m2 đất tái định cư.

Được biết, trên cơ sở đề xuất của huyện Sóc Sơn, tháng 4/2019, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng với nội dung: “Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan, kiểm tra hướng dẫn UBND huyện Sóc Sơn thực hiện theo quy định; đề xuất báo cáo TP những nội dung vượt thẩm quyền”. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 2 tháng, các sở, ban ngành vẫn chưa thống nhất được phương án xử lý.

Lâm Nguyễn

Tin liên quan