Sử dụng hiệu quả không gian ngầm, xây dựng Thủ đô xanh

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Với hành lang pháp lý mới về quản lý, sử dụng không gian ngầm, Hà Nội đang đứng trước cơ hội thúc đẩy phát triển bền vững theo xu hướng đô thị tương lai - nơi không gian ngầm trở thành tài nguyên để xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, tiện nghi.

Coi trọng phát triển không gian ngầm

Trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, việc khai thác, sử dụng hiệu quả không gian ngầm có vai trò đặc biệt quan trọng. Luật Thủ đô 2024 quy định tại Điều 19 “Quản lý, sử dụng không gian ngầm”, có hiệu lực từ 1/7/2025, đã tháo gỡ các nút thắt quy hoạch không gian ngầm. Luật quy định giao HĐND TP ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn Thủ đô.

Su dung hieu qua khong gian ngam, xay dung Thu do xanh - Hinh anh 1

Các tuyến tàu điện sử dụng không gian ngầm với mục đích phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Ảnh: Thanh Hải

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy mô xây dựng đô thị của Hà Nội cũng không ngừng mở rộng, mật độ đô thị hóa không ngừng được nâng cao. Vì vậy, việc phát triển không gian ngầm đô thị được chú trọng nhiều hơn. Luật Thủ đô 2024 mở ra một bước ngoặt trong quy hoạch không gian ngầm của Hà Nội, hướng đến quản lý minh bạch, quy hoạch có hệ thống theo vùng chức năng; tối ưu hóa quỹ đất mặt bằng, giải quyết áp lực hạ tầng. Cùng với đó, phát triển đô thị hiện đại, thông minh, hài hòa với bảo tồn văn hóa và môi trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, không gian ngầm giúp giải phóng bề mặt, giảm ùn tắc và ô nhiễm. Đồng thời, tăng giá trị sử dụng đất, hỗ trợ hình thành thị trường “bất động sản ngầm”; tạo điều kiện phát triển đô thị thông minh, với hạ tầng đồng bộ và đa chức năng. Hà Nội trong tương lai có thể phát triển các trung tâm thương mại ngầm dưới các ga metro hoặc những tuyến đường huyết mạch, như một phần thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng đô thị.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm. Hà Nội có nhiều thuận lợi khi là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Luật Thủ đô 2024 và hai đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô đều đang đặt ra vấn đề này một cách trọng điểm, đồng bộ.

Mặc dù vậy, thực tế chứng minh, Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển không gian ngầm nhằm chia sẻ "gánh nặng" với hạ tầng mặt đất do nhiều yếu tố. Trong đó nổi bật là điều kiện dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn thiếu; thể chế, chính sách, pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch chưa đầy đủ; thiếu các hướng dẫn, quy định, tiêu chuẩn quy hoạch không gian ngầm, các quy định sở, ban ngành liên quan...

Giải quyết các vấn đề giao thông đô thị

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô và các quy định liên quan đến quản lý không gian ngầm sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề giao thông đô thị; khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường; tạo ra hiệu quả về an toàn, an ninh quốc phòng.

Với tầm quan trọng đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) cho rằng, nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển không gian ngầm, trước mắt, Hà Nội cần xem xét, nghiên cứu sử dụng vốn ngân sách làm nguồn vốn “mồi” đầu tư một số công trình ngầm, bãi đỗ xe ngầm nhằm giảm bớt tình trạng quá tải về hạ tầng bãi đỗ xe cho các địa bàn đông dân cư, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), tại một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà đó. Tương tự trong đô thị trung tâm của TP, sau này cải tạo những khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… bắt buộc phải cải tạo như thế, biến khu vực đó thành một TP ngầm trong tương lai. Như vậy, không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. TP hiện đại phải như thế và khi đó mới tạo ra tiền để nhà đầu tư xây cao lên để trả cho người dân. Những TP ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm; qua đó sẽ thu hút, hấp dẫn người dân đến sinh sống.

Đối với việc giới hạn độ sâu không gian ngầm, cần phải có quy định riêng cho mỗi khu vực. Ví dụ, ở khu vực trung tâm Hà Nội, nơi nhiều công trình, nằm trong các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm ở đó phải quy định khác. Còn ở những nơi có công trình quốc phòng an ninh thì phải quy định khác. Do vậy, độ sâu thế nào, bao nhiêu mét, phải được căn cứ theo khu vực và Chính phủ nên có nghị định quy định chi tiết, như thế sẽ phù hợp hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển và sử dụng hiệu quả không gian ngầm đô thị có thể cải thiện môi trường sinh thái của TP, giảm đáng kể ô nhiễm đô thị, duy trì cảnh quan lịch sử và văn hóa của TP, tăng hiệu quả diện tích cây xanh của TP và mở rộng năng lực của cơ sở hạ tầng ở một mức độ nào đó. Quy hoạch hợp lý không gian ngầm đô thị không chỉ có thể đẩy nhanh quá trình phát triển của TP mà còn nâng cao lợi ích kinh tế và xã hội của TP. Do đó, không gian ngầm đô thị phải được phát triển và tận dụng tốt để TP có thể phát triển nhanh hơn và tốt hơn.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, không gian ngầm đô thị được coi là tài nguyên quý giá giúp giải quyết những khó khăn do không đủ bề mặt đất để xây dựng, sử dụng. Singapore di chuyển rất nhiều công trình công cộng, nhà máy, công sở và kho chứa vào trong lòng đất nhằm giải phóng diện tích đất trên bề mặt, trở thành lá cờ đầu của thế giới trong việc chuyển dịch đô thị hóa lòng đất. Tại quốc gia này, không gian ngầm gần bề mặt đất được quy hoạch xung quanh các hoạt động “lấy con người làm trung tâm", sử dụng cho các hoạt động đòi hỏi phải kết nối với mặt đất như trung tâm mua sắm, bãi đỗ xe, giao thông, đường đi bộ và tiện ích đô thị. Việc quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị của Singapore mang tính khả thi và có ý nghĩa, là phương pháp để tăng hiệu quả sử dụng đất và cải thiện chất lượng môi trường sống.

Hồng Thái

Tin liên quan