Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong 9 ngày Nghị định 100/2019 có hiệu lực đã cho thấy hiệu quả rất tích cực trong việc giảm tai nạn giao thông, đặc biệt là nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội đối với việc tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, trước khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực vào ngày 1/1, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 21 đến 23 người thiệt mạng do tai nạn giao thông, thì chỉ trong 9 ngày qua, con số này đã giảm xuống còn từ 16 đến 17 người.
Theo Nghị định 100/2019, mức phạt cao nhất đối với người điều khiển ô tô là phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng; đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng là phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ trước đây chưa quy định trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP, thì nay, trong Nghị định 100/2019 phạt tiền mức cao nhất là từ 400 đến 600 nghìn đồng.
Trong trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn xử phạt như vi phạm mức cao nhất.