Tăng giá vé xe buýt: Không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến người dân

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hôm nay (1/11), vé xe buýt trên địa bàn Thủ đô đã chính thức áp dụng khung giá mới sau 10 năm giữ ổn định. Ghi nhận thực tế cho thấy, giá vé mới không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến người dân, nhiều ý kiến ủng hộ và mong muôn đây sẽ là điều kiện giúp nâng cao chất lượng loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ lực này.

Tăng giá sau 14 năm

Theo đó, giá vé xe buýt Hà Nội từ ngày 1/11, lượt cự ly dưới 15 km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng; từ 15 km đến dưới 25 km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng; từ 25 km đến dưới 30 km tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng; từ 30 km đến dưới 40 km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng và từ 40 km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng.

Vé tháng sẽ có mức tăng trung bình lên tới 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).

Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt. Các đối tượng khác vé một tuyến là 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng), vé liên tuyến 280.000 đồng (hiện 200.000 đồng).

Tang gia ve xe buyt: Khong gay xao tron, anh huong den nguoi dan - Hinh anh 1
Hành khách kỳ vọng việc tăng giá xe buýt sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC. 

Trong quá trình thực hiện, giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan thường xuyên rà soát các nội dung còn chưa hợp lý (nếu có), tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND TP xem xét, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Theo Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có, 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành; trong đó 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Xe buýt đang đáp ứng gần 20% nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô.

Trước khi tăng giá, vé xe buýt có trợ giá đã được ban hành từ năm 2014. Đến nay sau gần 10 năm, mọi chi phí đầu vào của xe buýt như: nhiên liệu, nhân công, phương tiện… đều đã tăng mạnh. Đơn giá trung bình cho mỗi cây số vận hành của xe buýt đã tăng gần 47%. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội cũng đã tăng 75%.

Hiện nay, 80% hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt tại Hà Nội lựa chọn vé tháng, số lượng thẻ vé miễn phí cũng tăng dần theo từng năm.

Do vậy, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án tăng giá vé xe buýt dựa trên khả năng chi trả của người dân, đưa ra nhiều hình thức, mức giá vé cho người dân lựa chọn. Tăng thu, giảm chi cho ngân sách trợ giá của nhà nước.

Người dân đồng thuận

Trong sáng ngày đầu tiên giá vé xe buýt chính thức được tăng giá, đông đảo người dân đồng cảm, chia sẻ cùng TP về việc phải trợ giá hàng nghìn tỷ mỗi năm cho xe buýt. Đó là gánh nặng lớn đối với ngân sách đồng thời cũng là khó khăn cho doanh nghiệp.

Chị Lý Thị Thuỳ Linh trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Tôi có nắm được thông tin Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt. Đối với tôi, việc đi xe buýt đã là phương tiện công cộng rất rẻ, việc tăng thêm 80.000 đồng cho một vé tháng không ảnh hưởng gì đối với cuộc sống”.

Chị Linh cũng cho rằng, việc Hà Nội tăng giá vé đối với xe buýt cũng là tiền đề để loại hình phương tiện này phát triển và phục vụ người dân được tốt hơn.

Tang gia ve xe buyt: Khong gay xao tron, anh huong den nguoi dan - Hinh anh 2
 Đa số hành khách ủng hộ việc tăng giá vé xe buýt.

Anh Nguyễn Quốc Việt, sinh viên trường Học viện Bưu chính viễn thông chia sẻ: “Là một người sử dụng xe buýt để đi lại hàng ngày, tôi ủng hộ việc tăng giá vé xe buýt vì mức tăng không quá lớn. Tôi tin rằng việc tăng giá xe buýt xe có nhiều lợi ích hơn, giúp cho hệ thống xe buýt trở nên hoàn thiện hơn, văn minh hơn”.

Anh Nguyễn Quốc Việt cho rằng, người dân đồng tình với sự thay đổi của giá vé xe buýt, tuy nhiên cũng có mong muốn sau khi dịch vụ VTHKCC sẽ trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn.

Theo chị Lê Thu Anh, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, việc tăng giá xe buýt là cần thiết, tuy nhiên sau khi tăng thì cần giữ ổn định tránh gây phiền toái. Với mức giá như đề xuất sẽ không làm ảnh hưởng đến kinh tế, thu nhập của người dân. Đây có thể coi là mức phí hợp lý với hành khách sử dụng xe buýt.

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, việc xây dựng khung giá vé xe buýt trước đó chưa hợp lý với thời điểm hiện tại, tuyến dài cũng tương đương tuyến ngắn dù chi phí cao hơn. Mặt khác doanh thu và lợi nhuận xe buýt quá thấp cũng khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực VTHKCC. Do đó việc tăng giá vé xe buýt vào thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, tích cực đối với cả mạng lưới VTHKCC lẫn người dân, hành khách. Đơn vị cũng đã tiến hành khảo sát với người dân cũng như tính toán kỹ lưỡng trước khi áp dụng giá vé mới này.

 

 

Tin liên quan