|
Đường Vành đai 5 đi qua 8 tỉnh, TP. |
Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên dài khoảng 28,9km đang được đầu tư 11,9km từ trung tâm huyện Phú Bình đến nút giao Yên Bình, nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (trong đó có 9,2km qua Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình sẽ đưa vào khai thác đầu năm 2022), các đoạn còn lại chưa được đầu tư do khó khăn về nguồn vốn.
Tuyến sẽ kết nối với điểm đầu dự án đường Vành đai 5 đoạn từ trung tâm huyện Phú Bình đến nút giao Yên Bình sắp đưa vào khai thác, đi qua Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình, Khu công nghiệp Yên Bình, Cụm công nghiệp Hạnh Phúc – Xuân Phương, Cụm công nghiệp Điềm Thụy… có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh Thái Nguyên.
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có công văn gửi Bộ KH&ĐT về việc đầu tư đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang). Dự kiến kinh phí lấy từ nguồn vốn từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau COVID-19” của Chính phủ.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên, số tiền 950 tỉ đồng từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau COVID-19” của Chính phủ để đầu tư Dự án Đường Vành đai 5 đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang).
Đường Vành đai 5 đi qua Hà Nội và 7 tỉnh liền kề Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 7km với điểm đầu tại vị trí ranh giới 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang (giáp ranh giữa xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên và xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang); điểm cuối kết nối với QL.37 tại Km100 + 785 tại thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình.
Quy mô đầu tư dự án theo quy hoạch đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch chi tiết của địa phương.
Trong số các đoạn tuyến của đường Vành đai 5 chưa được đầu tư trên địa phận tỉnh Thái Nguyên, có đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang cần được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025, với tổng chiều dài khoảng 7km, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 950 tỉ đồng, điểm đầu giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang, điểm cuối kết nối với QL.37 tại Km100 + 785.