Thêm một “đại gia” muốn đầu tư vào sân bay Long Thành

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - “Đại gia” mới nhất muốn tham gia đầu tư vào dự án sân bay Long Thành là cái tên quen thuộc, “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.

Them mot “dai gia” muon dau tu vao san bay Long Thanh - Hinh anh 1
 Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương là cổ đông lớn nhất tại CTCP Nhà ga quốc tế Cam Ranh.

Cụ thể, Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn vừa ngỏ ý muốn đầu tư nhà ga hàng hoá tại sân bay Long Thành.

Theo đó, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vân tải (GTVT), Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương đề xuất được tham gia đầu tư Nhà ga hàng hoá Chuyển phát nhanh, Nhà ga hàng hoá số 2 và Kho giao nhận hàng hoá sân bay Long Thành.

Lãnh đạo Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương cho biết, nếu được tham đầu tư nhà ga hàng hoá tại sân bay Long Thành, DN này cam kết sẽ đầu tư các trang thiết bị, hệ thống vận hành kho bãi được áp dụng trí tuệ thông minh hiện đại tiên tiến nhất trên thế giới.

Được biết, hệ thống trí tuệ thông minh trên có khả năng kết nối với các hệ thống của cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng khác, đảm bảo việc tối ưu hóa tốc độ thông quan, giải phóng hàng hóa, cũng như khả năng chính xác tốt nhất trong việc sắp xếp, định vị, kiểm kê, xác định, lưu trữ hàng hóa, quản lý dữ liệu được bảo mật, truy cập nhanh chóng và hiệu quả.

Đây không phải lần đầu tiên DN của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn muốn tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không. Trước đó, vào năm 2018, DN này cũng đã từng đề xuất Bộ GTVT được đầu tư 2.000 tỷ đồng xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh tại sân bay Phú Quốc.

Được biết, Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương hiện cũng đã và đang tham gia vào nhiều dự án hạ tầng hàng không. Cụ thể, DN này hiện là cổ đông lớn nhất tại CTCP Nhà ga quốc tế Cam Ranh - nhà đầu tư Dự án nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng, được đưa vào khai thác hồi tháng 6/2018.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương cũng là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đồng thời DN này còn đang mong muốn được phối hợp cùng ACV đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 công suất 10 triệu khách/năm tại Phú Quốc với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 7.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 có nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh (công suất 100.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 8,89 triệu USD, tương đương 206,27 tỷ đồng), nhà ga hàng hóa số 2 (công suất 550.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 189,58 triệu USD, tương đương 4.168 tỷ đồng) và kho giao nhận hàng hóa (công suất 770.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 87,92 triệu USD, tương đương 2.057,76 tỷ đồng). Các công trình dự án thành phần 4 thuộc sự quản lý của Bộ GTVT.


Tin liên quan