Hướng tới đường phố an toàn
Theo thống kê, tai nạn giao thông gây ra tử vong cho hơn 1,3 triệu người và làm bị thương khoảng 50 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15 -27 tuổi.
Tại Việt Nam, trong những năm qua tai nạn giao thông đã luôn được quan tâm và kiềm chế, giảm cả về số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên, số người chết do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; trong đó người đi bộ, đặc biệt là trẻ em là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông.
|
Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông Thành phố phối hợp với tổ chức Sáng kiến Thiết kế Thành phố Toàn cầu ra mắt bản dịch tiếng Việt của Hướng dẫn Thiết kế Đường phố Toàn cầu, Hướng dẫn Thiết kế Đường phố cho Trẻ em và Cách thức Đánh giá Chuyển đổi Đường phố. |
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong năm 2022, toàn quốc xảy ra 11.457 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 812 vụ tai nạn giao thông, làm 410 người chết, 574 người bị thương.
Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội cũng như cả nước, chiều ngày 18/7, Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông Thành phố phối hợp với tổ chức Sáng kiến Thiết kế Thành phố Toàn cầu (GDCI) tổ chức buổi lễ ra mắt bản dịch tiếng Việt của Hướng dẫn Thiết kế Đường phố Toàn cầu (GSDG), Hướng dẫn Thiết kế Đường phố cho Trẻ em (DSfK) và Cách thức Đánh giá Chuyển đổi Đường phố (HTM).
Các tài liệu này cung cấp những cách thức khả thi và thiết thực, là tài liệu tham khảo giúp các nhà quy hoạch đô thị, các kĩ sư thiết kế đường phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tạo ra những tuyến phố an toàn hơn cho người dân và trẻ em trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng và khai thác hệ thống hạ tầng giao thông.
|
Ông Đào Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nội phát biểu tại buổi lễ ra mắt. |
Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chung là giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết, số người bị thương; đặc biệt là giảm thương vong do tai nạn giao thông đối với nhóm đối tượng yếu thế (trẻ em, học sinh, người đi bộ, đi xe đạp,...) khi tham gia giao thông.
Đặt con người lên hàng đầu
Tổ chức GDCI đang cùng với Sở Giao thông vận tải Hà Nội nghiên cứu phương án thiết kế lại một số tuyến đường phố quanh các trường học ở Hà Nội và tổ chức thí điểm trong thời gian tới, nhằm đảm bảo an toàn hơn cho hàng nghìn trẻ em đang sử dụng những không gian này hàng ngày.
Việc thực hiện và đánh giá các tác động sẽ được tiến hành bằng cách sử dụng các nguyên tắc và phương pháp luận trong Hướng dẫn Thiết kế Đường phố Toàn cầu, Hướng dẫn Thiết kế Đường phố cho Trẻ em và Cách thức Đánh giá Chuyển đổi Đường phố.
Hướng dẫn Thiết kế Đường phố Toàn cầu được biên soạn, với sự đóng góp của nhiều chuyên gia đến từ 72 thành phố ở 42 quốc gia, cung cấp nhiều ví dụ điển hình quốc tế, các chi tiết kĩ thuật, nhằm phục vụ cho công tác thiết kế đường phố ưu tiên người đi bộ, người đi xe đạp và người sử dụng phương tiện công cộng.
|
Bà Kelly Larson - Phụ trách Sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì An toàn Giao thông Đường bộ Toàn cầu chia sẻ tại buổi lễ. |
Hướng dẫn đã được hơn 100 thành phố và tổ chức trên thế giới tiếp nhận. Hướng dẫn Thiết kế Đường phố cho Trẻ em cung cấp cho các học viên công cụ để tạo ra các khu phố và đường phố là nơi an toàn cho trẻ em.
Bên cạnh đó, tài liệu Cách thức Đánh giá Chuyển đổi Đường phố hướng dẫn các thành phố cách thức đo lường, đánh giá và truyền thông kết quả tác động của các dự án thí điểm và mang tính chất tạm thời để cải thiện an toàn giao thông cho người dân. Các ứng dụng thực tiễn tốt nhất lý giải chi tiết cách thu thập và đánh giá dữ liệu, có thể giúp thu hút sự hỗ trợ của cộng đồng và hướng tới các giải pháp thiết kế đường phố an toàn một cách bền vững.
Ông Đào Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nội cho biết: “Việc thiết kế đường phố và không gian công cộng cho người đi bộ, người già, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương khác là cần thiết để giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông”.
Theo ông Đào Duy Phong, các nguyên tắc từ Hướng dẫn Thiết kế Đường phố Toàn cầu, Hướng dẫn Thiết kế Đường phố cho Trẻ em, cũng như các ví dụ thực tiễn điển hình tốt nhất trên thế giới được cung cấp trong các tài liệu là thông tin tham khảo quý giá cho TP Hà Nội.
Bà Kelly Larson - Phụ trách Sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì An toàn Giao thông Đường bộ Toàn cầu, cho biết: "Phiên bản tiếng Việt của Hướng dẫn Thiết kế Đường phố Toàn cầu sẽ không chỉ góp phần giúp hiểu rõ hơn về các nguyên tắc thiết kế đường phố an toàn trong thành phố, mà còn là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho tất cả các thành phố và thị trấn khác của Việt Nam, bao gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.”
Bà Kelly Larson cũng cho biết thêm, Hướng dẫn Thiết kế Đường phố cho Trẻ em có thể giúp các nhà chuyên môn Việt Nam xây dựng đường phố an toàn cho những đối tượng bị tổn thương nhất. Cũng theo bà Kelly Larson nếu thiết kế một con phố phù hợp với trẻ em là đã thiết kế con phố phù hợp cho tất cả mọi người.