 |
Người dân đi xe máy trên vỉa hè đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Duy Linh |
Dừng xe lấn vạch - lỗi nhỏ hay “vượt đèn đỏ trá hình”?
Ghi nhận của phóng viên trên nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội cho thấy, hành vi dừng xe lấn quá vạch kẻ đường ở các nút giao đèn đỏ diễn ra thường xuyên, đặc biệt với xe máy. Không ít người điều khiển xe có xu hướng chen lên phía trên, thậm chí cố len giữa các phương tiện khác để vượt qua phần vạch kẻ dành cho người đi bộ. Kết quả là cảnh hỗn loạn xảy ra tại các giao lộ, người đi bộ không còn không gian sang đường, trong khi các xe dừng chờ đèn đỏ chồng lên nhau đầy bát nháo.
Tình trạng này đang được một bộ phận tài xế lý giải là do thói quen “đi cho nhanh” hoặc “vượt một tí cũng không sao”. Một số người còn cho rằng lỗi này chỉ nên bị xử lý như lỗi “không tuân thủ vạch kẻ đường”, vốn có mức xử phạt khá nhẹ: từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với xe máy, 400.000 đến 600.000 đồng đối với ô tô.
Tuy nhiên, theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), hành vi dừng xe quá vạch chờ đèn đỏ được xác định tương đương lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông và phải bị xử lý tương ứng. Điều này được quy định rõ trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024: khi đèn vàng, xe phải dừng trước vạch dừng, trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp. Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
Như vậy, khi tới ngã tư, người lái xe nếu chưa tới vạch mà thấy đèn vàng hoặc đèn đỏ thì phải dừng lại trước vạch. Trường hợp tài xế cho xe lăn bánh chèn lên vạch, hoặc qua vạch tức "không dừng lại trước vạch", đồng nghĩa với việc không tuân thủ hiệu lệnh của đèn.
Mức phạt cho hành vi này không còn “nhẹ nhàng” như trước. Cụ thể, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 18 đến 20 triệu đồng; xe máy là 4 đến 6 triệu đồng; đồng thời bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe. Với mức điểm giới hạn chỉ 12 điểm/năm, việc vi phạm vài lần có thể khiến người lái phải thi lại bằng lái – một rủi ro không nhỏ cho những ai thường xuyên đi làm bằng phương tiện cá nhân.
Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt như vậy là quá nặng, nhất là khi xe chưa vượt đèn đỏ mà chỉ... “đè vạch”. Anh Hoàng Quân (Hà Nội) cho rằng: “Xe chưa vượt đèn đỏ, thì không nên phạt như vượt đèn đỏ. Mức độ nguy hiểm không giống nhau. Xe đè vạch nhưng không gây cản trở giao thông thì cũng không cần thiết phải phạt nặng như thế”.
Dù vậy, theo đại diện Cục CSGT, vạch kẻ đường tại đèn giao thông có ý nghĩa giống như một hàng đinh: vượt qua là vi phạm. Đây không chỉ là vấn đề luật định, mà còn liên quan đến trật tự, kỷ cương trong giao thông đô thị. Khi người dân cho phép bản thân “nới lỏng” những nguyên tắc tưởng như nhỏ nhặt này, thì sự hỗn loạn trên đường là điều tất yếu.
Một thực tế khác cần lưu ý là ở nhiều giao lộ hiện nay không có đồng hồ đếm ngược khiến việc căn thời gian dừng xe gặp khó khăn. Nhiều tài xế cho rằng, trong một số tình huống, nếu dừng lại giữa giao lộ để tránh va chạm, thì không nên xem đó là vi phạm. Đây là một vấn đề cần cân nhắc trong công tác hướng dẫn, tuyên truyền và xử lý vi phạm – tránh tình trạng máy móc, không xét đến tình tiết cụ thể.
Chạy xe máy trên vỉa hè - thói quen nguy hiểm trong đô thị
Lỗi cũng phổ biến nhưng lại thường bị xem nhẹ là hành vi điều khiển xe máy chạy trên vỉa hè. Tình trạng này diễn ra hàng ngày tại các tuyến đường đông đúc của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vào giờ cao điểm, không khó để bắt gặp cảnh hàng dài xe máy “leo” lên vỉa hè để vượt qua đoạn đường ùn tắc phía trước. Nhiều người biện minh rằng đó chỉ là “tạt vào chút xíu”, hoặc “đi vài mét rồi lại xuống” và cho rằng không đáng bị phạt.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, lòng đường được sử dụng cho mục đích giao thông, vỉa hè được sử dụng cho người đi bộ. Như vậy, việc điều khiển xe máy trên vỉa hè – dù trong thời gian ngắn – đã là hành vi vi phạm.
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, trong đó mức phạt cho hành vi điều khiển xe đi trên vỉa hè, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan là từ 4 đến 6 triệu đồng, tức cao gấp 10-15 lần so với mức cũ. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe, theo cơ chế quản lý điểm số mới được áp dụng. Đây là một thay đổi quan trọng trong tư duy xử phạt: không chỉ đánh vào tài chính mà còn buộc người vi phạm chịu trách nhiệm lâu dài nếu tái phạm.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đi xe máy trên vỉa hè đều là vi phạm. Pháp luật vẫn cho phép xe máy cắt ngang vỉa hè để vào bãi đỗ xe, nhà dân hoặc trụ sở cơ quan. Nhưng nếu người điều khiển chạy dọc vỉa hè với mục đích di chuyển, tránh tắc đường hay vượt đèn đỏ thì đó là vi phạm rõ ràng.
Ranh giới giữa “đi qua” và “đi trên” vỉa hè tưởng mỏng manh, nhưng lại là yếu tố quyết định trong việc xác định lỗi. Trong nhiều trường hợp, người vi phạm không bị bắt quả tang nhưng vẫn có thể bị xử lý dựa trên bằng chứng từ camera giao thông, hình ảnh từ tổ công tác hoặc lời khai nhân chứng. Người dân có quyền yêu cầu lực lượng chức năng cung cấp bằng chứng, khiếu nại nếu thấy việc xử phạt là không đúng.
Hành vi đi xe máy lên vỉa hè không chỉ gây cản trở người đi bộ, mà còn tạo ra hình ảnh hỗn loạn và vô kỷ luật trong không gian đô thị. Khi người dân buộc phải né xe máy trên phần đường dành riêng cho mình thì niềm tin vào trật tự giao thông cũng dần mai một. Không thể xây dựng một môi trường đô thị văn minh nếu những vi phạm “nhỏ mà dai dẳng” như vậy không được xử lý nghiêm khắc.
Phạt nặng không phải là mục tiêu cuối cùng, mà điều cần đạt được là sự thay đổi nhận thức từ mỗi người tham gia giao thông. Chỉ khi từng cá nhân ý thức rõ ràng về ranh giới đúng – sai trong hành vi nhỏ nhất, thì giao thông mới có thể bớt “mệt mỏi” mỗi ngày.
Minh Nhật