Thúc tiến độ thu phí tự động không dừng: Cần quyết tâm và trách nhiệm

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dự án triển khai thu phí tự động không dừng đang được khẩn trương triển khai để về đích đúng hạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ.

Thuc tien do thu phi tu dong khong dung: Can quyet tam va trach nhiem - Hinh anh 1

Nút thắt do “lịch sử để lại”

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1, hiện có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án.

Các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã lắp đặt, vận hành thương mại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng (chỉ còn trạm tránh Thanh Hóa đang dừng thu phí do thay đổi vị trí). Hiện 14 trạm còn lại đang triển khai trong năm 2019. Trong tất cả các cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng gần đây, Bộ GTVT đều thể hiện rõ quyết tâm sẽ đưa dự án về đích đúng hạn là 31/12/2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trên thực tế, tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng đang gặp không ít rào cản, trong đó có vấn đề do “lịch sử để lại”. Bởi, hầu hết các hợp đồng BOT đã ký trước đây không có chủ trương áp dụng thu phí không dừng. Do đó, khi muốn triển khai thu phí không dừng đối với những trạm BOT này, điều kiện bắt buộc là phải ký phụ lục hợp đồng BOT đối với tất cả các nhà đầu tư BOT. Trong bối cảnh hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới như hiện nay, để ký phụ lục hợp đồng BOT đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng và chính xác về mọi chi tiết nhằm đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên.

Thời gian qua, một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư BOT chưa đồng thuận với các triển khai dự án thu phí không dừng mà Bộ GTVT đưa ra chính là vấn đề tỷ lệ phần trăm trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC. Các nhà đầu tư cho rằng, tỷ lệ từ 2 - 4,5%, thậm chí 7% doanh thu làn không dừng mà họ phải trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC là chưa hợp lý. Sau đó, đích thân Bộ GTVT đã cam kết sẽ cho kiểm tra lại cách tính nhằm đảm bảo sự chính xác và phù hợp.

Hài hòa lợi ích

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông khẳng định, chủ trương triển khai thu phí không dừng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết nhưng tiến độ nhanh hay chậm do cách triển khai dự án như thế nào. Nói cụ thể hơn, cần có giải pháp để hài hòa lợi ích giữa 4 bên: Nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC, Nhà nước và người dân. 

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, đối với nhà đầu tư BOT, cần cho họ thấy rõ lợi ích hơn hẳn của việc triển khai thu phí không dừng so với thu phí thủ công trước đây. Đối với nhà cung cấp dịch vụ ETC, cần đảm bảo khi đầu tư vào dự án phải có lãi. Đối với Nhà nước, việc triển khai thu phí không dừng sẽ giúp giao thông thông thoáng, đảm bảo minh bạch, công khai trong công tác thu phí. Đối với người dân - những người sử dụng dịch vụ, phải làm cho họ thấy rõ thu phí không dừng sẽ tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn. 

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần đưa ra một phương án cụ thể, rõ ràng và kiên quyết. Cụ thể, đối với những dự án BOT đã có từ trước, cho họ một khoảng thời gian nhất định để lắp đặt ETC. Sau thời hạn trên, dự án nào không hoàn thành thì cho dừng thu phí. Đối với những dự án BOT mới, cần có quy định trạm thu phí nào khánh thành, muốn hoạt động phải thu phí tự động không dừng.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, việc tiến độ triển khai thu phí không dừng bị chậm trong thời gian qua, lỗi trước tiên thuộc về Bộ GTVT, trong đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp. Chính sự lúng túng, thiếu quyết liệt của hai đơn vị này là nguyên nhân khiến cho dự án bị vướng mắc nhiều chỗ. Bởi vậy, đã đến lúc Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải thể hiện sự quyết tâm và trách nhiệm của mình.

Đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư BOT và người sử dụng dịch vụ BOT là hai trong số các yêu cầu quan trọng nhất. Khi họ thấy rõ ưu điểm và lợi ích nhãn tiền của dự án thu phí không dừng, họ sẽ có sự đồng thuận cao, từ đó tiến độ triển khai dự án chắc chắn sẽ được đẩy nhanh.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức

Quý Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h