Thương vụ IPO “khủng” gây chấn động ở châu Á

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tokyo Metro, công ty vận hành tàu điện ngầm Nhật Bản - hệ thống chuyên chở hơn 6,5 triệu hành khách mỗi ngày với mức độ đúng giờ và kỷ luật “đáng mơ ước” trên toàn thế giới.

Mới đây, công ty này đã có đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công rực rỡ trở thành thương vụ IPO lớn nhất của xứ sở mặt trời mọc trong 6 năm qua.

Đợt IPO lịch sử

Chốt phiên giao dịch đầu tiên ngày 23/10, cổ phiếu của hãng tăng 45%, huy động được 348,6 tỷ yen (tương đương 2,3 tỷ USD). Việc niêm yết, được hỗ trợ bởi một chiến dịch quảng cáo rộng rãi trên sóng truyền hình quốc gia và các nỗ lực chào hàng tận nhà của các chủ ngân hàng, đã được hơn 30 công ty môi giới hỗ trợ.

Đây cũng là sự kiện tư nhân hóa đầu tiên của Nhật Bản đối với một công ty do chính phủ sở hữu kể từ đợt IPO của JR Kyushu - huy động được 4 tỷ USD vào năm 2016, và của Japan Post một năm trước đó, với 11,7 tỷ USD huy động thành công.

Giám đốc chuyên môn của Monex Group đánh giá, triển vọng cổ tức của Tokyo Metro là "rất ổn định" và thậm chí có thể tăng nhẹ, do nhu cầu về dịch vụ tàu điện ngầm tại thủ đô Tokyo vẫn rất mạnh mẽ và dân số tại thủ đô Nhật Bản duy trì tăng gần 1% mỗi năm.

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng 28% và xếp hạng thị trường hoạt động tốt nhất châu Á trong năm 2023. Năm 2024, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã đạt mức điểm kỷ lục mới, với mức tăng từ đầu năm đến nay là 16,41%. Một phần do các nhà đầu tư, tổ chức tài chính tin tưởng rằng giá tiêu dùng tăng và nỗ lực "bình thường hóa" chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản sẽ thúc đẩy các hộ gia đình mạo hiểm một phần tiền tiết kiệm của họ vào các khoản đầu tư có lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu.

Đây cũng là đợt IPO lớn nhất trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo kể từ khi đơn vị di động của SoftBank niêm yết trị giá 23,5 tỷ USD vào cuối năm 2018.

Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Tokyo Metro được định giá ở mức 1.200 yen, mức cao nhất trong phạm vi dự báo. Số tiền thu được sẽ giúp Chính phủ Nhật Bản trả nợ trái phiếu để tái thiết tỉnh Fukushima sau thảm họa hạt nhân năm 2011.

Các ngân hàng tham gia vào đợt chào bán cho biết đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng này đã được các nhà đầu tư tổ chức quốc tế đăng ký mua gấp 35 lần, các nhà đầu tư tổ chức trong nước đăng ký mua gấp 20 lần và các nhà đầu tư bán lẻ trong nước đăng ký mua gấp khoảng 10 lần, những người chiếm phần lớn lượng cổ phiếu lưu hành tự do.

Nhà điều hành tàu điện ngầm đã thu hút các nhà đầu tư bán lẻ bằng các chương trình khuyến mại miễn phí, từ vé tàu đến vé vào bảo tàng và sân tập đánh golf riêng. Dựa trên giá IPO, định giá dự kiến của Tokyo Metro sẽ là 4,6 tỷ USD, trong đó Chính phủ Nhật Bản và chính quyền đô thị Tokyo nắm giữ một nửa còn lại.

Mở đường cho những thương vụ mới

Ngoài việc kiểm tra nhu cầu của các nhà đầu tư bán lẻ theo chương trình tiết kiệm miễn thuế mở rộng, việc niêm yết của Tokyo Metro sẽ được Bain Capital theo dõi chặt chẽ với kỳ vọng đưa Kioxia, DN trong lĩnh vực thẻ nhớ, được mua lại từ Toshiba, lên sàn vào đầu năm 2025, theo các nguồn tin thân cận với DN.

Đợt IPO này diễn ra sau một giai đoạn biến động đối với cổ phiếu Nhật Bản bị cuốn vào quá trình tháo gỡ "giao dịch chênh lệch lãi suất" toàn cầu, cũng như áp lực ngày càng tăng từ các cổ đông đã thúc đẩy một số công ty hủy niêm yết và tiến hành mua lại của ban quản lý.

Việc niêm yết của công ty hệ thống tàu điện ngầm có lịch sử từ năm 1920, bao gồm 9 tuyến, diễn ra khi hoạt động đi lại bằng đường sắt phục hồi sau sự sụt giảm về lượng hành khách trong đại dịch Covid-19. Mạng lưới giao thông của Nhật Bản cũng được thúc đẩy bởi lượng khách du lịch đổ về sau dịch.

Ngoài các khoản tiền phát miễn phí cho cổ đông, các nhà đầu tư bán lẻ có thể bị thu hút bởi mức lợi tức cổ tức 3,3% mà công ty sẽ cung cấp, cao hơn so với các đối thủ niêm yết như Đường sắt Kyushu và Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản.

Shingo Ide, chiến lược gia cổ phiếu chính tại Viện nghiên cứu NLI cho biết, Tokyo Metro sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư như một cổ phiếu thu nhập với lợi nhuận ổn định nhưng không mang lại cơ hội tăng trưởng nghiêm túc.

Ông cho biết: "Đây là đợt IPO lớn đầu tiên sau một thời gian dài. Đây là một công ty không có ai không biết đến (ở Nhật Bản). Điều đó có thể là tiêu cực đối với các cổ phiếu có lợi tức khác như Tập đoàn viễn thông NTT hoặc Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản".

Chuyên gia Ide nói thêm rằng, các nhà khai thác đường sắt khác hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tổ chức vì phần lớn doanh thu của họ đến từ bất động sản, tạo ra cơ hội cho lợi nhuận lớn hơn so với 90% doanh thu có được từ hoạt động kinh doanh vận tải cốt lõi của Tokyo Metro.

Cái nhìn lạc quan cho thị trường châu Á

Mặt khác, đợt lên sàn của Tokyo Metro sẽ thúc đẩy sự phục hồi cho thị trường IPO của châu Á sau khi Hyundai niêm yết bộ phận hoạt động tại Ấn Độ trị giá 3,3 tỷ USD tại Mumbai vào tuần này. Tập đoàn công nghệ X-quang Nhật Bản Rigaku Holdings cũng lên sàn vào cuối tuần trước, huy động được 750 triệu USD.

Đây có thể là một phép thử quan trọng về nhu cầu khi các công ty tăng cường huy động vốn trước cuộc bầu cử Mỹ. Theo dữ liệu từ Bloomberg, khoảng 20 DN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiến hành IPO vào tuần này trong các giao dịch có thể huy động tới 8,3 tỷ USD, khối lượng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2022.

Các thương vụ tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, cho thấy đà phục hồi rộng rãi của việc bán cổ phiếu trên khắp khu vực.

Các ngân hàng sẽ coi đây là dịp quan sát giá của các cổ phiếu mới niêm yết tại châu Á trong vài tuần tới, trong bối cảnh các công ty và các cổ đông lớn cố gắng chốt các giao dịch trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5/11 tại Mỹ. Các thương vụ niêm yết cũng sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về nhu cầu của nhà đầu tư trong dài hạn sau nhiều năm thị trường chứng kiến sự ảm đạm.

Liên Hà

Tin liên quan