Tiên quyết kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hà Nội đang đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí đáng báo động, khi phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy, là một trong những nguồn phát thải lớn nhất.

Trong bối cảnh đó, việc kiểm soát khí thải phương tiện không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là bước đi chiến lược nhằm cải thiện chất lượng sống cho người dân và bảo vệ môi trường.

Nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm

Theo các chuyên gia môi trường, mùa ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Mới đây, trong khuôn khổ hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã “chỉ điểm” ra “thủ phạm” chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị chính là khí thải từ phương tiện giao thông. “Theo các báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, phần lớn chất gây ô nhiễm không khí (NO2, CO, PM) ở các đô thị có nguồn gốc từ hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đang lưu hành” – đại diện Bộ GTVT cho biết.

Tien quyet kiem soat khi thai tu phuong tien giao thong - Hinh anh 1
Xe máy đang là một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn của nước ta. Ảnh: Công Hùng

Nhận định này cũng hoàn toàn đúng với Thủ đô Hà Nội, nơi đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi mà hoạt động giao thông chính là nguồn phát thải lớn nhất. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, dân số TP Hà Nội hiện khoảng 9 triệu người, trong đó, dân số đô thị chiếm trên 40%. Mỗi ngày, mức tiêu thụ điện năng ước tính khoảng 80 triệu KWh, hàng triệu lít xăng, dầu cho các phương tiện giao thông. Hiện, trên địa bàn TP có 10 khu công nghiệp lớn, nhỏ, có 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu chiếc xe gắn máy và hơn 600.000 xe ô tô… “Đây chính một trong những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho hay.

Theo số liệu năm 2019, tổng lượng bụi PM2.5 phát thải từ tất cả các nguồn vượt 30.000 tấn, trong đó hơn 50% bắt nguồn từ các nguồn thải tại chỗ. Riêng giao thông và bụi đường chiếm tỷ lệ cao nhất, với 56%. Các chuyên gia nhận định, xe máy hiện là nguồn phát thải lớn nhất, tiếp theo là xe tải hạng nặng, xe buýt, và xe tải hạng nhẹ, cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện này. Bên cạnh đó, xe máy cũ sử dụng động cơ đốt trong lạc hậu, không chỉ tạo ra lượng khí thải lớn mà còn làm giảm hiệu suất nhiên liệu. Việc không kiểm soát khí thải từ loại phương tiện này đang gây ra gánh nặng lớn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Các giải pháp đang triển khai

 Các chuyên gia khẳng định, để giải bài toán ô nhiễm không khí của Hà Nội nói riêng và các đô thị trên cả nước nói chung, cần có những giải pháp đồng bộ, tổng thể để kiểm soát các nguồn phát thải, đặc biệt là nguồn phát thải từ phương tiện giao thông. Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN&MT đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm không khí, trong đó có giải pháp rất quan trọng là siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi phương tiện xanh, không phát thải, đồng thời sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường; sự dụng phương tiện công cộng. Giải pháp này cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT – cơ quan quản lý trực tiếp phương tiện giao thông.

Đại diện Bộ GTVT định hướng giải pháp giảm ô nhiễm nhiễm không khí trong thời gian tới sẽ được cơ quan này đẩy mạnh trên 3 bình diện: một là, kiểm soát khí thải thông qua việc áp dụng mức Tiêu chuẩn khí thải nhằm kiểm soát phát thải tại nguồn đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, trước khi đưa vào lưu hành; hai là, kiểm soát khí thải thông qua việc áp dụng mức Tiêu chuẩn khí thải nhằm kiểm soát phát thải xe cơ giới đang lưu hành; ba là, kiểm soát phát thải thông qua các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển phương tiện giao thông ít phát thải.

Đó là về mặt ngắn hạn. Còn về lâu dài, chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư và chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ. Hạn chế dần việc xây dựng và sử dụng các nhà máy nhiệt điện than vì đây là nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm không khí. Đây mới chính là giải pháp bền vững. Riêng với

Hà Nội,  TP đã, đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đối phó với vấn đề ô nhiễm không khí. Một trong những bước đi nổi bật là kế hoạch thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) tại quận Hoàn Kiếm từ năm 2025. Theo đó, các phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ bị hạn chế hoặc cấm di chuyển trong khu vực này, ngoại trừ những phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải hoặc xe chạy điện. Bên cạnh đó, TP cũng khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng sạch như xe buýt điện. Hệ thống xe buýt điện của VinBus đã được triển khai tại một số tuyến đường lớn, góp phần giảm đáng kể lượng khí thải trong nội thành. Theo các chuyên gia, việc triển khai vùng phát thải thấp không chỉ là biện pháp kiểm soát khí thải hiệu quả, mà còn giúp nâng cao nhận thức người dân về sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường. Đây là tiền đề cho các chính sách kiểm soát ô nhiễm lâu dài.

Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để vấn đề khí thải phương tiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, DN và người dân. Thứ nhất, cần xây dựng chính sách thu hồi và tái chế xe máy cũ, kết hợp với việc hỗ trợ tài chính để người dân chuyển sang sử dụng xe đạt tiêu chuẩn khí thải hoặc xe chạy điện. Chính phủ cũng nên áp dụng các gói ưu đãi thuế cho những người mua xe điện hoặc xe thân thiện với môi trường. Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư vào giao thông công cộng sạch. Cần mở rộng các tuyến xe buýt điện và tăng cường tính tiện lợi, như thiết lập hệ thống vé thông minh, để khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang công cộng. Cuối cùng, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chiến dịch truyền thông và giáo dục. Khi người dân hiểu rõ hơn về tác động tiêu cực của khí thải phương tiện đến sức khỏe và môi trường, họ sẽ chủ động tham gia vào các chính sách giảm phát thải.

Nguyễn Quý

Tin liên quan