TP Hồ Chí Minh: Đề xuất sử dụng xe đạp công cộng có khả thi?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Mới đây, trả lời trên báo chí, ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết, theo đề án của các doanh nghiệp đưa ra, giai đoạn đầu dự án dịch vụ xe đạp đô thị do doanh nghiệp đề xuất được thực hiện ở khu vực quận 1, tiếp đến là quận 3.

Được biết, Dự án Mobike - dịch vụ xe đạp đô thị - do doanh nghiệp đề xuất sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân đi từ nhà, người đi làm ở các công sở đến các trạm xe buýt hoặc địa điểm cần đến trong phạm vi 3km, đưa xe đạp trở thành phương tiện vận tải công cộng nhằm giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông được xem là giải pháp hợp lý để góp phần xây dựng xã hội an toàn. Tuy nhiên, đề án này đang được dư luận TP quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều. 

TP Ho Chi Minh: De xuat su dung xe dap cong cong co kha thi? - Hinh anh 1
Đề án sử dụng xe đạp công cộng tại một số quận trung tâm TP Hồ Chí Minh đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Giảm ô nhiễm nhưng không giảm ùn tắc

Với những ưu điểm như thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, tính lưu động cao... đề án triển khai dịch vụ xe đạp công cộng được nhiều người ủng hộ.

Chị Bùi Thị Thu Thủy (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Phát triển xe đạp sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan thân thiện, người dân tăng cường sức khỏe. Theo đề nghị của doanh nghiệp, giá vé sử dụng xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút là hoàn toàn có thể chấp nhận được”, chị Thủy hào hứng.

Đồng quan điểm, anh Thanh Huy (quận 1) đánh giá, việc phát triển xe đạp công cộng sẽ góp phần làm tăng tính kết nối với một phương tiện công cộng khác là xe bus.

"Theo tôi, ý tưởng này rất hay, khi đó người dân có thể đi xe bus đến trung tâm TP rồi thuê xe đạp từ 1 - 2km đến chỗ làm, học tập, không cần sử dụng phương tiện cá nhân nữa. Chỉ cần chất lượng xe tốt, phục vụ tốt tôi nghĩ mọi người sẽ hào hứng tham gia", anh Huy nêu quan điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều người quan ngại, nếu triển khai sử dụng xe đạp công cộng tại quận 1, quận 3, hoặc nhiều quận khác tại trung tâm TP sẽ không thể góp phần giảm ùn tắc, trái lại sẽ tạo ra hiệu ứng ngược.

Cụ thể, diện tích chiếm dụng lòng đường của xe đạp tương đương xe máy, tốc độ chậm hơn nên mật độ phương tiện sẽ lớn hơn, nguy cơ ùn tắc càng cao.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trọng Văn (Kỹ sư xây dựng) đưa ra dẫn chứng, ở khu chế xuất Tân Thuận (Tân Thuận Đông, quận 7) trước đây công nhân đi xe đạp gây kẹt xe kinh khủng, tốc độ chậm làm cản đường xe máy chạy qua khu vực này, bây giờ khá hơn vì phần lớn công nhân đã có xe máy.

Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để đề án sử dụng xe đạp công cộng hiệu quả, cũng cần tính đến bài toán quản lý, sửa chữa sao cho phù hợp.

"Ở các nước phát triển, họ trang bị đầy đủ các trạm quản lý xe đạp sử dụng công nghệ cao. Trong khi đó ở ta, nhiều nơi còn không nhận gửi xe đạp, không có tiệm sửa xe đạp. Ý thức bảo quản của người dân lại chưa tốt, xe công cộng có thể bị đưa đi luộc đồ như thường", một chuyên gia lo ngại.

TP Ho Chi Minh: De xuat su dung xe dap cong cong co kha thi? - Hinh anh 2
Việc xe đạp đi chung làn đường với các phương tiên khác xem ra không khả thi - Ảnh minh họa.

Cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng

Được biết, trên thế giới hiện này có hàng trăm TP đã tập trung phát triển hệ thống xe đạp công cộng từ những năm 2005. Tại những TP này, các trạm xe đạp đều được đặt tại các trạm xe bus, ga tàu điện ngầm để người dân dễ dàng tiếp cận. Xe đạp cũng có làn đường riêng để hoạt động.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tất cả những điều kiện này rất khó đáp ứng trong một sớm một chiều.
Ông Nguyễn Văn Thọ (quận 1) cho rằng, Việt Nam mới chỉ có phương tiện công cộng duy nhất là xe bus. Các bãi giữ xe máy, ô tô mới đáp ứng một lượng nhỏ nhu cầu, vậy khi phát triển thêm xe đạp sẽ phải tính thêm bài toán quy hoạch bến bãi. Đây là điều vô cùng khó, nhất là ở TP tấc đất tấc vàng như TP Hồ Chí Minh.

“Theo tôi, đề án này chưa phù hợp với tình hình hiện tại. Trong khi mới đây, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng để “giải cứu” kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất cần đến 5.600 tỷ đồng. Nay lại đề xuất sử dụng xe đạp công cộng khu vực quận 1, quận 3… Rõ ràng quá mâu thuẫn trong việc giải quyết tình hình kẹt xe chung của TP. Chưa kể, cơ sở hạ tầng chưa có việc đề xuất sử dụng xe đạp công cộng là không khả thi. Còn nhớ lần tôi đi Hội An, vì muốn đi xe đạp ở phố cổ tôi phải tìm chỗ gửi ô tô vừa mất tiền gửi xe vừa mất tiền thuê xe đạp. Đó là ở Hội An, còn nếu là TP Hồ Chí Minh thì chưa cần nói gì nhiều riêng việc tìm được bãi gửi xe đã vô cùng khó khăn", chú Thọ phân tích.

Thực tế cho thấy phần lớn đường sá trong lõi trung tâm TP Hồ Chí Minh phổ biến là đường nhỏ. Nếu muốn quy hoạch thêm làn xe đạp cần thời gian dài và vô cùng tốn kém. Còn hiện tại, nếu để xe đạp đi lộn phần đường với xe máy và ô tô trên đường thì nguy cơ tai nạn sẽ rất cao.

Chị Thúy An (quận 3) chia sẻ: "Khí hậu ở TP Hồ Chí Minh nắng nóng quanh năm, tình hình thời tiết này, e là người dân nói chung và nhất là chị em phụ nữ rất ngại đi xe đạp. Đạp xe đến chỗ làm, chỗ học xong mô hôi nhễ nhại, là điều không ai thích. Do đó đề án cần phải tính toán kỹ, tránh tình trạng triển khai, lắp đặt hàng trăm trạm xe đạp xong rồi đắp chiếu bỏ đó, rất lãng phí".

Tiểu Thúy

Tin liên quan