|
Trông xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Trọng Đảng |
Bảo đảm tổ chức giao thông
Sau một thời gian dài chờ đợi, việc trông xe tại một số vị trí dưới gầm cầu, gầm đường trên cao của Hà Nội đã chính thức được Bộ GTVT và UBND TP cho phép. Các chuyên gia đánh giá, đây là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh “khát” điểm đỗ của TP hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện khai thác các điểm đỗ xe đặc thù này rất cần được quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, nhằm bảo đảm hiệu quả mà không ảnh hưởng đến tổ chức giao thông trong từng khu vực.
Do đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an TP, Sở Tài chính, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ Nghị quyết 12 của Chính phủ, kiểm tra kỹ các địa điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Trên nguyên tắc, chỉ cho tồn tại tạm thời các điểm trông giữ xe có đủ điều kiện đường ra, đường vào hợp lý, đủ hệ thống biển báo hiệu, đánh số ô đỗ xe… và bảo đảm ATGT cho các phương tiện và người tham gia giao thông, không gây ùn tắc.
Tất cả các điểm phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về PCCC trong khu vực, có đủ các thiết bị báo cháy, chữa cháy tại chỗ, niêm yết công khai giá vé trông giữ phương tiện theo quy định. Việc trông giữ xe tại các khu vực gầm cầu sẽ bố trí lối xe ra vào riêng biệt, hợp lý, có nhân viên hướng dẫn giao thông tại các lối xe ra, xe vào bảo đảm ATGT cho người, phương tiện; sắp xếp phương tiện, lối ra vào cách mố, trụ cầu tối thiểu 3m từ mép trụ mỗi bên để phục vụ cho các đơn vị quản lý cầu duy tu công trình cầu theo quy định.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, các đơn vị khai thác sẽ phải lắp đặt hệ thống camera theo dõi, vừa để phục vụ kiểm soát phương tiện ra vào, vừa bảo đảm an ninh trật tự, trích xuất dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra khi cần; áp dụng công nghệ thông tin để thông báo giá dịch vụ trông giữ.
Xem xét mở rộng
Hiện, UBND TP Hà Nội mới chấp thuận phương án cho khai thác 4 khu vực gầm cầu, gồm: Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch và Vĩnh Tuy để tổ chức trông giữ phương tiện tạm thời. Đây là các điểm có nhu cầu rất cấp thiết của TP, tuy nhiên cũng còn không ít vị trí khác có thể khai thác để giải cơn “khát” hạ tầng giao thông tĩnh.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, khác với các điểm trông giữ thông thường, điểm dưới gầm cầu, gầm đường trên cao có nhiều thuận lợi do không phải đầu tư lớn về hạ tầng. Hầu hết các vị trí như vậy đều đã có sẵn mặt bằng tốt, hạ tầng xung quanh hoàn chỉnh, có thể nhanh chóng đưa vào khai thác, sử dụng. Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Nhu cầu đỗ gửi xe của Hà Nội quá lớn. Trong khi đó, các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao còn rất nhiều vị trí có thể tận dụng được, nên xem xét mở rộng cấp phép trông giữ xe”.
Tuy nhiên, ông Tân cũng lưu ý, UBND TP Hà Nội cũng như Sở GTVT và các đơn vị chức năng liên quan cần ban hành một bộ quy định riêng về PCCC, an toàn kỹ thuật đối với các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Bộ quy định này cần được liên ngành thẩm tra kỹ lưỡng chặt chẽ, cả trong quá trình xây dựng lẫn áp dụng ngoài thực tế. “Nên dành một thời gian thí điểm quản lý 4 điểm trông giữ xe dưới gầm cầu có sẵn, sau đó rút kinh nghiệm và xem xét mở rộng thêm” - ông Tân đề xuất.
Trong bối cảnh khó khăn về hạ tầng giao thông tĩnh như hiện nay, việc tổ chức các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu là phù hợp. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, các điểm trông xe dưới gầm cầu chỉ được tồn tại trong ngắn hạn, trước mắt là đến năm 2023. Hiện nay, Quy hoạch bến, bãi đỗ xe của Hà Nội đã được phê duyệt. Khi Quy hoạch được triển khai vào thực tế, các điểm trông giữ xe được hình thành đủ để đáp ứng nhu cầu, TP sẽ chấm dứt hoạt động của các điểm này.