Để tuyến ĐSĐT này vận hành thông suốt, an toàn, và quan trọng nhất là thu hút được tối đa người dân sử dụng, cần một hệ thống hoàn chỉnh các điều kiện cả cứng và mềm hỗ trợ.
TS Vũ Hồng Trường phân tích rõ hơn, điều kiện để tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vận hành an toàn bao gồm 3 yếu tố chính. Thứ nhất là xây dựng cơ bản từ kết cấu hạ tầng, đường ray, nhà ga… phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn, bền vững và tiện lợi.
Thứ hai là việc lựa chọn đoàn tàu, các trang thiết bị nội thất, phụ trợ… phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn rất ngặt nghèo. Thứ ba là để vận hành được một hệ thống phức tạp, hiện đại như vậy cần có một đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, được chuyển giao công nghệ đầy đủ, tích luỹ, trau dồi kinh nghiệm trên thực địa.
“ĐSĐT nói chung và tuyến Cát Linh - Hà Đông nói riêng đều có những quy trình vận hành khai thác đảm bảo an toàn được viết ra cụ thể, tập huấn cho đội ngũ quản lý, nhân viên. Đó là yếu tố rất quan trọng của ĐSĐT” - TS Vũ Hồng Trường cho hay.
Hiện nay, tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã được phê duyệt và ban hành quy định quản lý, bảo trì và vận hành, khai thác tại Quyết định số 25/QĐ-UBND (ngày 19/10/2020); đã xây dựng và thông qua chính sách giá vé ĐSĐT để cài đặt phần mềm sẵn sàng phục vụ hành khách. TP cũng đã phê duyệt Dự án “Hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông”, và triển khai xong các thủ tục theo quy định.
Tuyến ĐSĐT số 2A cũng đã tuyển dụng và đào tạo được tổng số 681 người (đào tạo tại Trung Quốc 201 người, tại Việt Nam 450 người). Các nhân sự này đã được kiểm tra đánh giá, nghiệm thu và đảm bảo sẵn sàng vận hành khi tiếp nhận dự án. Tháng 12/2020, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã phối hợp với chủ đầu tư và tổng thầu, trực tiếp vận hành thử toàn hệ thống đồng thời diễn tập các tình huống khẩn cấp; tiếp nhận 21 quy trình bảo trì và 166 quy trình vận hành của dự án. Trong thời gian vận hành thử nghiệm đã có 5.700 lượt tàu chạy, đạt hơn 70.000km vận hành.
An toàn là trên hết
Các chuyên gia nhận định, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có thể được xem như dấu mốc đầu tiên cho xu thế VTCC hiện đại của Hà Nội. Nó sẽ mang lại hiệu quả đột phá từ tính chất vận tải khối lượng lớn của mình, chuyên chở cả nghìn hành khách trên mỗi chuyến tàu, góp phần tăng cường năng lực của tất cả các loại hình VTCC khác. Và tất nhiên công tác chuẩn bị cho “vai chính” của VTCC bước ra sân khấu cũng không hề đơn giản.
TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân cho rằng, điều kiện đầu tiên để đưa một tuyến ĐSĐT vào khai thác phải là: An toàn. Sự an toàn đó được tính toán chính xác, chuẩn bị đầy đủ từ khi bắt đầu thiết kế dự án, cho đến lúc vận hành, khai thác, duy trì, bảo dưỡng trong suốt thời gian sử dụng. “Nói cách khác, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông cần một phần cứng an toàn, chuẩn chỉ, bền vững” - TS Đặng Minh Tân chia sẻ.
Thu hút tối đa người dân sử dụng
Trong buổi làm việc mới đây với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đã nói: “ĐSĐT là loại hình vận tải tiên tiến, khối lượng lớn, tốc độ cao, có tính ưu việt trong giao thông đô thị. Tuyến đường từ Cát Linh vào Hà Đông tôi đi bình thường nhanh cũng mất 45 phút. Đi ĐSĐT chỉ mất hơn 20 phút là rất tiện lợi cho người dân”.
Chính vì sự ưu việt đó, ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ làm thay đổi thói quen di chuyển bằng phương tiện cá nhân của người dân, giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đặt ra là ĐSĐT phải tạo được sức hút với người dân. Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung phân tích, muốn tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông thu hút được tối đa người dân sử dụng cần có những phương thức kết nối thuận tiện, bao gồm cả kết nối gần và xa. Kết nối xa là phải có mạng lưới loại hình phương tiện VTCC khác, đặc biệt là xe buýt đưa người dân đến với ĐSĐT thuận lợi nhất, cũng như đón họ đi từ các nhà ga tới nơi cần đến nhanh nhất.
Dọc hành lang tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông hiện có 43 tuyến buýt hoạt động, gồm 40 tuyến có trợ giá của thành phố và 3 tuyến không trợ giá, chiếm tới 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới buýt trên địa bàn Hà Nội. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc trung chuyển hành khách của ĐSĐT, Sở GTVT Hà Nội đã có phương án kết nối cụ thể như: Điều chỉnh 4 tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông.
Điều chỉnh các tuyến tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang; bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng dọc lộ trình tuyến ĐSĐT, như vậy toàn tuyến có 65 điểm dừng với cự ly bình quân giữa các điểm là 400m; đề xuất bổ sung 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số nhà chờ dọc tuyến là 28.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Thành phố cũng cần có phương án bố trí thêm các vị trí để người dân gửi xe cá nhân xung quanh các nhà ga ĐSĐT. Như vậy mới có thể thu hút cả những hành khách ở xa, không thể đi bộ tới”.
Về các phương thức kết nối gần, TS Vũ Hồng Trường phân tích, tại mỗi nhà ga đều có hệ thống thang cuốn, thang máy dành riêng cho người khuyết tật, đảm bảo bất cứ người dân nào cũng có thể được sử dụng ĐSĐT. Khi tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, lượng hành khách sử dụng VTCC, trong đó có xe buýt, cũng sẽ tăng lên, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của mạng lưới VTCC Hà Nội nói chung.
Phương án giá vé tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông: Vé lên tàu 7.000 đồng/người; đi 1 ga 8.000 đồng/người, đi toàn tuyến 15.000 đồng/người, tương đương với giá vé xe buýt.
"Điều kiện đầu tiên để đưa một tuyến ĐSĐT vào khai thác phải là: An toàn. Sự an toàn đó được tính toán chính xác, chuẩn bị đầy đủ từ khi bắt đầu thiết kế dự án, cho đến lúc vận hành, khai thác, duy trì, bảo dưỡng trong suốt thời gian sử dụng." -TS Đặng Minh Tân
|