Văn bản của UBND TP Hà Nội tập trung trả lời 3 nhóm vấn đề mà cử tri quan tâm.
Liên quan đến thua lỗ của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, theo UBND TP Hà Nội, hiện nay mạng lưới ĐSĐT trên địa bàn vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới có 01 tuyến được đưa vào khai thác sử dụng là 2A Cát Linh - Hà Đông); Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) vẫn còn thấp mới chỉ đạt được 19,5%.
Tuyến đường sắt là dịch vụ công ích, giá vé với mục tiêu khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện VTHKCC nói chung, ĐSĐT nói riêng, giảm phương tiện giao thông cá nhân. Do đó doanh thu từ bán vé không có khả năng bù đắp chi phí và được nhà nước trợ giá.
Kết cấu đơn giá tạm thời ban hành tại Quyết định số 1517/QĐ-UBND ngày 09/5/2022 không có khoản mục chi phí liên quan đến lãi vay trên tổng mức đầu tư của dự án tuyến đường sắt, kinh phí trợ giá không có các khoản vay nêu trên.
Công ty HMC đã cung cấp các số liệu về tài chính, sản lượng hành khách theo quy định tại Nghị định 47/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Liên quan đến nội dung tuyên truyền, phát động người dân Hà Nội sử dụng tàu điện đi lại trên các tuyến đường đã vận hành ĐSĐT để tăng doanh thu bán vé lên 20 lần so với hiện nay, TP Hà Nội cũng rất quan tâm đến vấn đề này.
Các chính sách được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/07/2019 về việc ưu tiên phát triển hệ thống VTHKCC khối lượng lớn. Khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống GTVT.
Theo nghị quyết, TP đã ban hành Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND về giá vé VTHKCC, miễn tiền vé cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo; Hỗ trợ 100% giá vé trong 15 ngày đầu vận hành thương mại;
Hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, DN ngoài khu công nghiệp khi mua vé tháng theo hình thức tập thể.
Liên quan đến nội dung TP Hà Nội đề xuất xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, cử tri đề nghị Quốc hội trước khi phê duyệt cần yêu cầu Chính phủ, TP Hà Nội báo cáo phương án kinh doanh, công bố số tiền phải bù lỗ, trợ giá từng tuyến để người dân được biết.
UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang chủ trì tham mưu cho UBND TP xây dựng đề án tổng thể hệ thống ĐSĐT Thủ đô theo Kết luận 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị.
Ngày 28/6/2024 Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã điều chỉnh và bổ sung thêm nhiều chính sách ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, tạo đột phá trong phát triển ĐSĐT.
Đặc biệt Luật Thủ đô sửa đổi cho phép đầu tư phát triển ĐSĐT thị tại Hà Nội theo mô hình định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị (TOD). Đây là mô hình phổ biển ở các nước trong khu vực và các nước phát triển, bảo đảm hiện đại, đồng bộ bền vững.
Trong khu vực TOD TP được thực hiện chính sách sử dụng nguồn tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với VTHKCC.
UBND TP Hà Nội luôn tiếp thu ý kiến của cử tri Hà Nội nói riêng và cử tri cả nước nói chung với mục đích xây dựng và phát triển hệ thống ĐSĐT để phục vụ Nhân dân Thủ đô đạt hiệu quả chất lượng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và sử dụng nguồn vốn ngân sách đạt hiệu quả cao nhất.
Huyền Sâm