|
Hà Nội đã có nhiều loại hình GTVT nhưng chưa có sự liên thông, kết nối chặt chẽ |
Ngày 17/10, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Hội đồng Vùng Ile - De - Franace (IDF), Sở GTVT TP và PRX - Việt Nam tổ chức Hội thảo Quy hoạch GTVT hướng tới mạng lưới đa phương thức. Hội thảo tập trung bàn về vấn đề xây dựng quy hoạch, phát triển mạng lưới GTVT đa phương thức của TP.
Giảng viên trường Đại học GTVT Vũ Anh Tuấn chia sẻ, GTVT đa phương thức là một dạng tổ chức vận tải phối hợp nhiều phương thức với nhau, trong mỗi một phương thức lại có thể phối hợp nhiều phương tiện.
“Nói một cách dễ hiểu thì ví dụ như hàng hóa, chỉ cần một bộ chứng từ để vận chuyển xuyên suốt bằng nhiều loại hình: đường thủy, đường bộ… Hay hành khách chỉ cần một tấm vé để sử dụng tất cả các loại hình vận tải như: đường sắt đô thị, xe buýt… như vậy gọi là vạn tải đa phương thức. Hình thức này đồi hỏi các loại hình vận tải phải liên thông, kết nối chặt chẽ với nhau” - ông Vũ Anh Tuấn nói.
Hà Nội hiện đã có các hầu hết các phương thức GTVT như: đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không. Vận tải hành khách công cộng có đường sắt đô thị, xe buýt, taxi… nhưng sự liên thông giữa các loại hình này chưa được hình thành rõ nét, chưa phát huy được tối đa sự thuận tiện, hiệu quả để thu hút người dân, giảm thiểu chi phí xã hội.
Chính vì vậy, từ hơn 1 năm nay Vùng IDF đã hỗ trợ Hà Nội triển khai dự án Moov’Hanoi nhằm nghiên cứu, phát triển mạng lưới giao thông đa phương thức, kết nối giữa các loại hình phương tiện khác nhau.
Ông Emanuel - Đại diện dự án Moov’Hanoi nhận định, Hà Nội là một đại đô thị đã phát triển rất mạnh cả tốc độ tăng trưởng dân số lẫn kinh tế và tất yếu là cả nhu cầu giao thông.
“Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn khoảng 2.000 người về nhu cầu đi lại hằng ngày và cho ra két quả số lượt di chuyển của người dân Hà Nội trung bình hàng ngày là 3,3 lượt/người. Nghĩa là người Hà Nội đi lại rất nhiều, không có sự khác biệt giữa nam và nữ” - ông Emanuel nói.
Nghiên cứu của Moov’Hanoi cũng chỉ ra, phương tiện cá nhân chủ yếu của người dân Thủ đô là xe gắn máy; tỉ lệ sử dụng giao thông công cộng rất thấp. Hơn nữa, hầu như người dân chưa đi lại theo hình thức đa phương thức, bao gồm cả kết hợp giữa các loại hình giao thông công cộng, hay giao thông công cộng với phương tiện cá nhân.
Ông Emanuel cũng cho rằng, vấn đề phát triển giao thông đô thị tại Hà Nội đã trở thành nhu cầu bức thiết, nếu không phát triển giao thông công cộng, người dân sẽ ngày càng gặp khó khăn trong vấn đề đi lại, không thể phát triển kinh tế.
|
Ông Olivier Brochet - Đại sứ Pháp tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Ông Olivier Brochet - Đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ, Pháp và Việt Nam mới nâng tầm mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Nhằm hỗ trợ Việt Nam đối mặt với thách thức lớn trong quá trình phát triển bền vững, Pháp dành sự quan tâm rất lớn cho việc phát triển giao thông.
“Trong lĩnh vực này, Pháp là quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt kinh nghiệm về phát triển đưuòng sắt đô thị và Pháp rất sẵn lòng, cũng như mong muốn hợp tác với Việt Nam” - ông Olivier Brochet nói.
Theo Vị Đại sứ Pháp tại Việt Nam, trong hệ thống giao thông đô thị, tàu điện, xe buýt là những loại hình phương tiện quan trọng. Nhưng phải liên kết được các phương thức này lại với nhau, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân mới phát triển được vận tải đa phương thức.
Phát biểu tại Hội thảo, Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã hoàn thành rà soát Quy hoạch GTVT Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ - TTg năm 2016 và đã nhận diện một số bất cập cần điều chỉnh.
Quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng, là nền tảng định hướng cho sự phát triển giao thông đô thị của Hà Nội. Hiện Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo lên UBND TP để kiến nghị Chính phủ có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Đặc biệt vấn đề phát triển GTVT đa phương thức đang được nghiên cứu toàn diện, tiếp thu các kinh nghiệm thế giới để chuẩn bị kịch bản cụ thể, khả thi.