Ngày 24/6, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 2673/QĐ – UBND phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Theo đó, cầu Vĩnh Tuy hiện nay sẽ được mở rộng gấp đôi, phân tách hai làn lưu thông riêng biệt, tăng cường tối đa khả năng thông hành cho dòng phương tiện.
Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án cho biết, việc xây dựng đồng bộ cầu Vĩnh Tuy nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bờ sông Hồng.
Dự án Vành đai 2 trên cao đang được gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Công Hùng
|
“Dự án sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho 2 quận: Long Biên, Hai Bà Trưng. Đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng giữa khu vực trung tâm với phía Bắc, Đông Bắc Thủ đô, tạo tiền đề hình thành chuỗi đô thị phía Bắc” - đại diện chủ đầu tư cho hay.
Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8, tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 3,47km. Bao gồm các hạng mục: Cầu chính vượt dòng chủ; cầu dẫn trên bãi sông phía Bắc; cầu vượt đê Tả Hồng và cầu dẫn phía Long Biên. Dự án sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng từ ngân sách TP, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2020 - 2022.
Tiếp nối tín hiệu tích cực trên trục Vành đai 2 là Dự án Vành đai 2 trên cao và dưới thấp từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở đang bước vào giai đoạn nước rút. Giám đốc dự án (của Liên danh nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chỉnh) Trần Văn Giầu cho hay: “Dự án đã thi công vượt tiến độ. Đoạn tuyến trên cao Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở có thể hoàn thành vào cuối tháng 7 tới. Các đoạn tuyến khác cũng bước vào giai đoạn thi công cuối, dự kiến thông xe toàn tuyến trước tháng 10 năm nay”.
Trục đường Vành đai 2 của Hà Nội được quy hoạch theo lộ trình: Cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - đường Bưởi - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - đường Nguyễn Văn Linh - đường Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy. Như vậy, trên trục Vành đai 2 hiện chỉ còn đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy vẫn chưa được mở rộng đồng bộ. Toàn tuyến đã hình thành một trục giao thông có năng lực đáp ứng cực lớn với cả đường trên cao, dưới thấp và các cầu vượt sông hiện đại.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, tình trạng UTGT trên trục Vành đai 2, đặc biệt là khu vực nội thành sẽ sớm được giải tỏa một khi đoạn tuyến cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở mở rộng hoàn thiện. Cùng với đó, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ mở rộng cửa ngõ Đông Bắc của TP, giúp tăng cường năng lực kết nối giữa hai bờ sông Hồng, đưa hành khách, hàng hóa từ phía Nam Thủ đô sang phía Bắc và ngược lại.
“Quan trọng hơn, Vành đai 2 còn kết nối với các tuyến QL6, QL1, QL5… tăng cường mạnh mẽ khả năng giao thương của Hà Nội với các tỉnh, thành khác, là điều kiện quan trọng để hình thành chuỗi đô thị mới phía Bắc Thủ đô” - ông Thành nhận định.