Theo Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (Công ty VECE), đơn vị này được giao quản lý, vận hành khai thác tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Thời gian qua, với lưu lượng bình quân 40.000 - 43.000 lượt phương tiện thông qua tuyến cao tốc trong 1 ngày đêm, đã dẫn đến ùn ứ giao thông tại các trạm thu phí trên tuyến vào các khung giờ cao điểm, ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết.
Tuy nhiên, qua thực tế khai thác, đơn vị quản lý tuyến cao tốc nhận thấy lượng phương tiện chủ yếu tập trung trên đoạn TP Hồ Chí Minh - Quốc lộ 51 và ngược lại. Vì thế, khi xảy ra sự cố hay tai nạn trên đoạn tuyến này hay xảy ra tại các đường nối vào cao tốc thì phương tiện sẽ tăng đột biến và dồn ứ lại tại cầu Long Thành, Trạm thu phí Long Phước và nhánh D (từ cao tốc ra Quốc lộ 51) Trạm thu phí Quốc lộ 51. Đó là chưa kể khoảng cách từ Trạm thu phí Long Phước đến Trạm thu phí Quốc lộ 51 chỉ 12km, nên nếu xảy ra ùn tắc tại các trạm sẽ gây bức xúc cho khách hàng khi tham gia lưu thông trên tuyến.
Để giải quyết bài toán khó này, đơn vị quản lý tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án phối hợp các lực lượng chức năng để khẩn trương giải quyết sự cố, giải phóng nhanh hiện trường, đảm bảo an toàn giao thông và giao thông thông suốt; phân làn, phân luồng phù hợp tình hình thực tế; thường xuyên thông báo trên VOV giao thông, bảng thông tin điện tử VMS về tình hình giao thông trên tuyến để khách hàng lựa chọn lộ trình thích hợp…
Cụ thể, khi xảy ra ùn ứ giao thông ở hướng vào Trạm thu phí Long Phước (5 cửa) và Trạm thu phí Dầu Giây (3 cửa), đơn vị quản lý tuyến cao tốc tiến hành mở toàn bộ 8 cửa phát vé đầu vào, có thể mở thêm 1 hoặc nhiều hơn 1 làn để tiến hành phát thẻ ngược chiều đầu vào. Khi tiến hành phát thẻ ngược chiều tại đầu vào, đơn vị tăng cường thêm nhân viên phân làn đứng sau làn thu phí để đảm bảo an toàn giao thông tránh xung đột giữa các phương tiện đi ra từ làn chuyển đổi và những phương tiện đi ra từ làn vào thông thường.
Còn tại hướng ra các Trạm Long Phước (9 cửa) và Trạm Dầu Giây (5 cửa), khi phương tiện bị dồn ứ, đơn vị quản lý tuyến cao tốc bố trí tăng cường 1 nhân viên phân làn trước làn thu phí để hướng dẫn, điều tiết phương tiện loại 1 đi vào làn bán ngược chiều…, đồng thời bố trí tăng cường 1 nhân viên giám sát tiến hành đếm phương tiện thủ công tại hiện trường. Khi tổ chức phương án này, đơn vị cũng bố trí thêm 1 nhân viên phân làn sau làn thu phí nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh xung đột giữa các phương tiện đi ra từ làn bán ngược chiều và các phương tiện đi ra từ làn ra thông thường.
Đề xuất phương án chống ùn ứ tại đầu ra nhánh D - Trạm thu phí Quốc lộ 51, đơn vị quản lý tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây xây dựng phương án gồm 5 bước, trong đó sẽ điều tiết các phương tiện loại 1 đi thẳng lên cầu vượt Long Thành tại đầu nhánh D. Tại đây phối hợp Cảnh sát giao thông để phân làn, phân luồng nhằm tách dòng xe và tiến hành đặt biển báo đi thẳng Dầu Giây và Biên Hòa, Vũng Tàu.
Các phương tiện đi thẳng qua cầu vượt Long Thành sẽ rẽ phải quay đầu tại cuối nhánh C (Quốc lộ 51 vào cao tốc đi Dầu Giây). Ở vị trí này, nhân viên điều tiết giao thông phân làn, phân luồng để tách dòng xe và tiến hành đặt biển báo hướng đi thẳng Dầu Giây, rẽ phải để quay đầu phương tiện đi về Biên Hòa, Vũng Tàu…
Với phương án này, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc bố trí tăng cường 2 giám sát hậu kiểm tiến hành đếm phương tiện thủ công tại hiện trường hoặc đếm qua camera làn tương ứng; tăng cường 1 nhân viên điều tiết giao thông tại điểm giao nhau giữa nhánh B, nhánh C và đường tạm để hạn chế tốc độ các phương tiện đang lưu thông trên nhánh C, nhánh B và hướng dẫn các phương tiện đi vào đường tạm/từ đường tạm đi ra tham gia giao thông vào nhánh B.
Qua thực tế khai thác tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đơn vị quản lý khai thác tuyến cao tốc nhận thấy đây là phương án đã phát huy hiệu quả những năm qua. Tuy nhiên, phương án trên hiện chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Đây là lý do đơn vị quản lý tuyến cao tốc chính thức trình phương án để chủ đầu tư tuyến cao tốc làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được phê duyệt.