Vì đâu phải giảm quy mô đầu tư cho cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đơn vị đưa ra lời đề nghị này cho rằng, do khó khăn trong việc huy động vốn, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cần giảm vốn đầu tư xuống còn 6.000 tỷ đồng.

Vi dau phai giam quy mo dau tu cho cao toc Huu Nghi - Chi Lang? - Hinh anh 1
 Đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn còn ngổn ngang

Đề nghị trên được đưa ra trong công văn của UBND tỉnh Lang Sơn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ GTVT, đề nghị sớm xem xét phương án điều chỉnh quy mô đầu tư, phương án hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với Dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng.

Giảm quy mô để tăng tiến độ

Trong công văn trên, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do khó khăn trong việc huy động vốn, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị phân kỳ đầu tư Dự án thành 2 đoạn. Trong đó, đoạn từ Km44+750 (Chi Lăng) - Km17+420 (nút giao với QL4B thuộc thành phố Lạng Sơn), dài 27,3km, quy mô xây dựng 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17,5m. Đối với đoạn từ Km17+420 đến Km1+800 dài 15,7km trong giai đoạn trước mắt sẽ chỉ xây dựng theo quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 13,5m.

Mặc dù vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị vẫn tiến hành giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến đường dài 43 km với quy mô nền đường rộng 22m với lý do để huận tiện cho việc sau này tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.

Vi dau phai giam quy mo dau tu cho cao toc Huu Nghi - Chi Lang? - Hinh anh 2
Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn vẫn chưa thể thành tuyến khép kín

Như vậy, với đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn, tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng giảm từ 8.790 tỷ đồng xuống còn 5.947 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà đầu tư giảm từ 1.750 tỷ đồng xuống còn 1.600 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hỗ trợ giảm từ 2.160 tỷ đồng xuống còn 1.347 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại giảm từ 3.400 tỷ đồng xuống còn 2.000 tỷ đồng. Riêng ngân sách tỉnh chi vẫn giữ nguyên là 1.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc giảm quy mô đầu tư vào cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ giúp dự án sớm thông tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tới được cửa khẩu Hữu Nghị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và khu vực. Không những thế, đây là mức đầu tư phù hợp với điều kiện hiện nay trong việc huy động vay vốn tín dụng cũng như cân đối vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Từ những phân tích trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm chủ trì, đề xuất phương án hỗ trợ dự án từ ngân sách trung ương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, tháo gỡ khó khăn.

Bao giờ bịt kín được “mạch hở” cao tốc?

Mặc dù đề nghị giảm quy mô đầu tư, đối với dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng của UBND tỉnh Lạng Sơn được đưa ra là khá... ngược đời. Nhưng xét cho cùng đây là phương án hợp lý và cần thiết, để sớm hoàn thành dự án lâu nay vẫn được xem là “mạch hở” của toàn tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn.

Vi dau phai giam quy mo dau tu cho cao toc Huu Nghi - Chi Lang? - Hinh anh 3
Đoạn tuyến Hữu Lũng - Chi Lăng vẫn đang là ''mạch hở'' của toàn tuyến

Nói là ngược đời bởi từ trước đến nay, hầu hết các địa phương khi có dự án đường giao thông đi qua địa bàn mình đều luôn mong muốn quy mô đầu tư càng hoành tráng, càng hiện đại càng tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư hiện nay của dự án, đề nghị giảm quy mô đầu tư cho dự án là hoàn toàn dễ hiểu. Dù rất muốn dự án sẽ có quy mô quy mô cao tốc hoàn chỉnh với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 8.790 tỷ đồng nhưng địa phương hẳn cũng hiểu rõ giảm quy mô đầu tư để đẩy nhanh dự án sẽ hợp lý hơn là để dự án kéo dài.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư chính tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) thừa nhận khó khăn về vốn, cụ thể là chưa xác định được nguồn vốn tham gia từ các bên liên quan đang là “nút thắt” lớn nhất tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Chính “nút thắt” này không những ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án trên mà còn ảnh hưởng đến cả quá trình triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng.

Theo ông Hoàng, hiện cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và tăng tính hiệu quả đầu tư do được tối ưu hóa để tiết giảm tổng mức đầu tư bằng giải pháp phân kỳ đầu tư. Do đó, nếu gỡ được “nút thắt” về vốn đầu tư thì dự án sẽ sớm được triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, đây vẫn là bài toàn khó. “Nguy cơ đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng không thể hoàn thành vào năm 2020, qua đó kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng đang là nỗi lo lớn của chúng tôi” – ông Hoàng khẳng định.

Vi dau phai giam quy mo dau tu cho cao toc Huu Nghi - Chi Lang? - Hinh anh 4
 Giảm quy mô đầu tư liệu có giúp cao tốc Hữu Lũng - Chi Lăng sớm hoàn thành?

Trong khi đó, ông Vũ Huy Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị (doanh nghiệp dự án triển khai đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) cho biết thêm, một trong những nguyên nhân khiến công tác huy động vốn cho dự án gặp khó là do phía ngân hàng không thể thu xếp vốn cho đoạn tuyến đầu tư Hữu Nghị - Chi Lăng.

Điều này bắt nguồn từ việc, hạn mức tín dụng cấp cho các công trình BOT bị hạn chế và đang phải dồn lực cho Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đến tháng 7/2019, trước những khó khăn của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng ra thu xếp vốn xây dựng đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nhằm tháo gỡ khó khăn vốn đầu tư cho dự án này.

Tuy nhiên, sau khi dự án chạy lại phương án tài chính, ngân hàng BIDV cũng mới chỉ thống nhất tài trợ 2.000 tỷ đồng và UBND tỉnh Lạng Sơn cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương tối đa khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cơ cấu vốn của dự án là 1.740 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu nhà đầu tư; 3.160 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia và 3.400 tỷ đồng  vốn tín dụng. Như vậy, dự án vẫn còn thiếu 1.400 tỷ đồng vốn tín dụng và 2.160 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách.

Nếu phương án giảm quy mô đầu tư mà UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra sẽ giúp tháo gỡ được những khó khăn trong dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thì bài toán nan giải nhất ở tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn tồn tại trong nhiều năm qua sẽ được giải và “mạch hở” đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được bịt kín.

Quý Nguyễn

Tin liên quan