Bất ổn trong thời gian dài
Không chờ đến kết luận của Thanh tra Chính phủ, dư luận mới thấy sự bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Trước đó, dư luận đã có rất nhiều ý kiến về sự bất cập vì tiền trích Quỹ BOG của người mua xăng dầu, song quỹ lại do doanh nghiệp quản lý, cơ quan chức năng quyết định việc sử dụng. Chính sự quản lý, vận hành quỹ không chặt chẽ mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp rút ra sử dụng mục đích khác và chiếm dụng.
Vừa qua, một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil, Hải Hà Petro đã bị điều tra, truy tố về các sai phạm trong sử dụng Quỹ BOG. Không những vậy, quỹ có nguy cơ thất thoát cả nghìn tỷ đồng do các thương nhân không nộp lại tiền dư quỹ dù cơ quan quản lý nhiều lần đôn đốc đòi nợ.
Mộ vấn đề đáng lưu ý nữa là khi phát hiện dấu hiệu sai phạm, việc xử phạt của cơ quan quản lý là liên bộ Công Thương – Tài chính cũng không nghiêm minh. Khi công tác quản lý quỹ khi gặp sự cố lại có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa hai bộ. Trong khi đó, việc trích và chi sử dụng Quỹ BOG từ lâu đã được dư luận phản ánh không theo kịp biến động giá thế giới.
Bày tỏ quan điểm về việc nên giữ hay bỏ Quỹ BOG, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng, nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì tác động của quỹ này không làm giảm giá xăng. Thực tế, trong giai đoạn vừa qua cho thấy, quỹ này chưa thực hiện tốt việc ổn định giá xăng, trong khi điều đó phụ thuộc nhiều vào dự báo giá xăng dầu thế giới.
Đáng nói, việc trích quỹ chưa có sự nhịp nhàng, khi giá xăng thấp thì xả quỹ, còn lúc giá xăng dầu lên cao lại trích quỹ. Cơ quan quản lý quỹ không dự báo được tốt vấn đề giá xăng dầu thế giới nên đôi khi dẫn đến nghịch lý như đã nêu, như vậy không tạo ra sự bình ổn.
Sử dụng công cụ thuế, phí và dự trữ xăng dầu để điều hành
Chuyên gia Nguyễn Minh Đức - Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Quỹ BOG có vai trò "lấy đỉnh bù đáy", để tránh hiện tượng “sốc” trong diễn biến giá. Nghĩa là khi giá tăng lên đỉnh sẽ sử dụng quỹ để kìm xuống và khi giá giảm xuống mức đáy sẽ trích quỹ để dự phòng. Nhưng giá xăng dầu thế giới thường biến động liên tục, do đó, nhà điều hành sẽ khó dự báo được đỉnh - đáy để quyết định nạp hay xả quỹ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo còn cho rằng, Quỹ BOG chỉ có tác dụng trong thời điểm 2012 - 2016, khi giá xăng dầu tương đối ổn định, tăng giảm với tần suất khiêm tốn 100 - 200 đồng mỗi lần, và đồng đều giữa các mặt hàng.
Sau đó, từ năm 2021 - 2022, quỹ có nhiều bất cập do biên độ tăng giảm cao, trong khi mức bù hay trích quá thấp nên không phát huy tác dụng. Hơn nữa, các mặt hàng biến động trái chiều, dẫn đến bất bình đẳng. "Ví dụ xăng tăng phải lấy quỹ bình ổn bù vào nhưng dầu diesel giảm giá phải trích quỹ. Như vậy, người dùng dầu diesel phải bù cho người dùng xăng. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp âm quỹ do bán các mặt hàng phải bù quỹ nhiều hơn” – ông Bùi Ngọc Bảo lập luận.
Một số chuyên gia lại đồng quan điểm Quỹ BOG đã hoàn thành sứ mệnh và đã đến lúc bỏ quỹ này. Thay vào đó, cơ quan quản lý nên sử dụng kết hợp công cụ thuế, phí và dự trữ xăng dầu để điều hành.
Với dự trữ xăng dầu, chuyên gia Nguyễn Minh Đức khuyến nghị, có thể dưới dạng dự trữ quốc gia hoặc qua lưu thông của doanh nghiệp đầu mối. Khi giá thế giới cao, Nhà nước bán ra, hoặc cho phép doanh nghiệp giảm dự trữ xuống một ngưỡng nhất định, như vậy sẽ giúp tăng cung trên thị trường, hạ nhiệt giá cả. Tương tự, với công cụ thuế, bao gồm thuế bảo vệ môi trường và tiêu thụ đặc biệt, khi giá cao, Nhà nước giảm các mức thuế này xuống cũng giúp giảm giá, ổn định thị trường.
Ánh Ngọc