Xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông: Hiệu quả từ Dự án đường Vành đai 2

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dự án Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đang dần hoàn thiện, chuẩn bị được đưa vào sử dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là dự án xã hội hóa điển hình về hiệu quả, cho thấy hướng đi đúng đắn trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đối với một đại đô thị.

Vượt tiến độ
Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã được cơ quan chức năng của Hà Nội nghiên cứu từ năm 2012. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến tháng 4/2018, dự án mới chính thức được khởi công.
Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dự án bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; tổng chiều dài 5,4km. Sau 6 năm chờ đợi, bước ngoặt đã đến khi dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, loại hợp đồng BT; có tổng vốn đầu tư vào khoảng 9.400 tỷ đồng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; UBND TP Hà Nội giao Tập đoàn Vingroup thực hiện. Theo nghiên cứu ban đầu, tiến độ dự án đề ra là trên dưới 30 tháng cho từng hợp phần. Nhưng đến nay, chỉ hơn 25 tháng, dự án đã bước vào giai đoạn nước rút, dự kiến vượt tiến độ ít nhất 3 tháng.
Thực tế cho thấy, việc đa dạng nguồn lực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn là một trong những giải pháp quan trọng để huy động vốn, cần tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực, tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà
Giám đốc dự án (của Liên danh nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chỉnh) Trần Văn Giầu cho biết: “Quá trình thực hiện, nhà đầu tư đã thuê hẳn một đơn vị đánh giá độc lập, song hành với tư vấn giám sát để thẩm định. Có thể nói chất lượng thi công đã vượt qua những bước kiểm duyệt vô cùng ngặt nghèo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn”. Ông Giầu cũng cho hay, quá trình thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng và giao thông, do địa hình chật hẹp, lại nằm trên trục đường có lưu lượng giao thông rất lớn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thi công, các công tác liên quan đến an toàn đã được bảo đảm tuyệt đối.
Đánh giá quá trình thực hiện Dự án Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, Kỹ sư Lê Minh Trà - Công ty tư vấn công trình châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Để đạt được kết quả vượt trội về tiến độ và chất lượng như hiện tại, nhà đầu tư đã mạnh mẽ sử dụng công nghệ, giải pháp thi công hiện đại nhất, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam” - ông Trà chia sẻ. Toàn dự án có đến 3.300 hộ dân, tổ chức GPMB, thi công cả trên cao, dưới thấp, toàn tuyến dài đến 5,4km, nằm trong nội thành, nơi dân cư đông đúc và giao thông đầy áp lực.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, dự án coi như đã thành công. Quá trình thực hiện từ GPMB đến thi công, các đơn vị đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ, chính quyền TP cũng như Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội đã rất sát sao trong giám sát. Ông Lê Minh Trà chia sẻ: “Các vấn đề vướng mắc phát sinh được giải quyết ngay chứ không phải chờ đợi họp hành, thông qua thủ tục hành chính rườm rà như các dự án sử dụng vồn ngân sách”.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà thông tin, hiện trên địa bàn TP có nhiều công trình quy mô lớn đầu tư theo hình thức xã hội hóa đã hoàn thành như đường Lê Trọng Tấn (một đoạn tuyến của đường Vành đai 3,5); đường Phúc La – Văn Phú; đường Vành đai 2,5 (đoạn qua Khu đô thị Tây Hồ Tây và đoạn qua Khu đô thị Ciputra); đường trục phía Nam đoạn từ Km0+00 đến Km 19+900; đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy); đường Tố Hữu (trục hướng tâm kết nối Lê Văn Lương); nút giao trung tâm quận Long Biên; tuyến đường Hà Nội – Hưng Yên (kết nối Khu đô thị Ecopack với đường Vành đai 3); bãi đỗ xe cao tầng: Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan; bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì... Các dự án này đều để lại dấu ấn tốt, phát huy hiệu quả thiết thực đối với hạ tầng giao thông Hà Nội.
Hướng đi đúng đắn
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, các dự án hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông luôn có nhu cầu vốn rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực ngân sách của Hà Nội mới chỉ có thể cân đối đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu; 80% còn lại cần được huy động khai thác thông qua việc đa dạng nguồn lực đầu tư. Nhận thức được điều này, trong thời gian qua TP đã huy động các nguồn lực triển khai thực hiện nhiều dự án công trình giao thông quan trọng thông qua nhiều hình thức đầu tư như PPP, BT, ODA...
Có thể kể đến một số dự án quy mô lớn đang triển khai đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư như 5 tuyến đường sắt đô thị (theo hình thức ODA); đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên; đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh; nút giao Vành đai 3,5 với Đại Lộ Thăng Long; cầu Mễ Sở; cầu Trần Hưng Đạo; cầu Thượng Cát; cầu Giang Biên; các bến xe Cổ Bi, Đông Anh; bãi đỗ xe ngầm sân vận động Quần Ngựa... (theo hình thức BT). Để hoàn thiện các cơ chế chính sách, UBND TP đã tham mưu cho HĐND TP ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 về “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; Khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; Áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải”...
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hiện có cũng như xây dựng các cơ chế chính sách mới, thuộc thẩm quyền, nhằm huy động tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tiếp tục duy trì, tăng cường các kỳ xúc tiến kêu gọi đầu tư hàng năm. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp khi nhà đầu tư tham gia phải bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Ngọc Hải

Tin liên quan