Xanh hóa giao thông công cộng Hà Nội

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng Hà Nội đang đi đúng hướng và dẫn đầu cả nước trong việc chuyển đổi phương tiện công cộng xanh. Tuy nhiên, để đạt được lộ trình đã đề ra, cần có sự đồng lòng của các cấp, ngành TP và Nhân dân Thủ đô.

Sức hút mạnh mẽ

Giao thông xanh là sử dụng các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và những loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh là sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... như sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh là xu hướng tất yếu của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, việc sử dụng phương tiện năng lượng xanh hiện còn khá mới mẻ, người dân chưa có thói quen sử dụng xe đạp, phương tiện công cộng để đi lại, phần lớn vẫn phụ thuộc vào phương tiện cá nhân chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, TP Hà Nội đang nỗ lực hết sức và là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành GTVT.

Xanh hoa giao thong cong cong Ha Noi - Hinh anh 1
Xe buýt điện tuyến 03 hoạt động tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đại diện Sở GTVT cho biết, hiện tại, Hà Nội có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các DN và TP. Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã có tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động vào năm 2021. Với năng lực vận tải hành khách khối lớn. Hiệu quả về giảm thiểu ùn tắc giao thông, tính tiện lợi trong việc đi lại bằng tàu điện ở Hà Nội đã được thấy rõ. Dự kiến, tháng 7/2024, tuyến tàu điện tiếp theo của Hà Nội cũng sẽ được đưa vào khai thác thương mại.

Dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Hà Nội đã đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi phương thức vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Việc sử dụng phương tiện xanh trong VTHKCC không chỉ góp phần rất tích cực bảo vệ môi trường mà còn tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang tàu điện, xe buýt.

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, 5 tháng đầu năm nay, mạng lưới buýt đã tăng trưởng tốt cả về sản lượng lẫn doanh thu. Cụ thể, 5 tháng qua, mạng lưới xe buýt đã vận chuyển ước đạt 169,7 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá ước đạt 165,2 triệu lượt hành khách, tăng 8,6%; tổng doanh thu ước đạt 237 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông, 5 tháng đầu năm đã vận chuyển được khoảng 4,6 triệu lượt hành khách, tăng 7,3%; tổng doanh thu ước đạt 30,9 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.

“Hướng tới mục tiêu xanh hóa hệ thống VTHKCC của Thủ đô, các tuyến buýt mở mới sẽ ưu tiên sử dụng xe năng lượng sạch. Hiện đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để đưa xe buýt điện vào vận chuyển hành khách trên 5 tuyến gồm: tuyến số 05, 39, 47, 43, 59. Trong đó tuyến buýt số 05 sẽ sử dụng xe cỡ nhỏ (40 chỗ); còn lại sử dụng xe cỡ trung bình (41 - 60 chỗ). Dự kiến, đầu năm 2025 các tuyến buýt điện này sẽ đi vào hoạt động” - đại diện lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội thông tin.

Anh Nguyễn Văn Hùng trú tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã chuyển sang sử dụng tàu diện để đi làm gần 2 năm nay. Việc đi lại bằng tàu điện thuận lợi hơn rất nhiều và tiết kiệm về kinh tế, thời gian cũng như an toàn, văn minh hơn phương tiện cá nhân. Ngoài ra, tôi cũng thấy xe buýt, taxi và xe đạp điện công cộng, đang được kết nối rất tốt, tạo sự thuận tiện và hiện đại cho người sử dụng. Các loại hình VTHKCC sử dụng nhiên liệu sạch không chỉ bổ trợ cho nhau về tính kết nối, vận chuyển mà còn đang cùng góp phần hình thành một hệ sinh thái của giao thông xanh".

Xây dựng lộ trình cụ thể

Hà Nội có đủ khả năng, tiềm lực để phát triển giao thông xanh. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển đã trở thành thói quen “ăn sâu, khó bỏ” trong từng người dân. Do vậy, để có thể chuyển đổi sang sử dụng giao thông xanh thành công, TP cần có một lộ trình, chính sách cụ thể, chi tiết về cả nhận thức của người dân cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển hệ thống GTVT xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.

Đối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích: “Lộ trình đã có một bước đệm từ nay đến 2030, yêu cầu phương tiện thay mới phải dùng năng lượng xanh. Bước đệm đó có tính chuẩn bị rất quan trọng cho việc thay dần xe buýt sạch, giúp DN không bị động. Để xanh hóa phương tiện VTHKCC thành công, các bước tiếp theo của lộ trình cần phải bám sát với kế hoạch đề ra”.

Ông Phan Trường Thành cho rằng, muốn lộ trình chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng sử dụng năng lượng xanh thành công, Chính phủ cũng như các địa phương cần đầu tư toàn diện, mạnh mẽ trong 30 năm tới nhất là hạ tầng cung cấp năng lượng, nhiên liệu cho xe buýt xanh. Hiện vấn đề này còn rất hạn chế do suất đầu tư lớn, là thách thức không nhỏ với các đơn vị vận tải. Muốn các DN có thể sử dụng đại trà xe buýt điện, hay khí CNG, TP cũng cần bảo đảm nguồn cấp điện, các vị trí xây dựng trạm tích trữ, cung cấp khí CNG. Nếu giao cho DN tự xây dựng cần có cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn để DN thực hiện.

Ngoài ra, cơ chế đấu thầu, trợ giá, khấu hao tài sản… cho vận tải công cộng hiện nay chỉ xây dựng cho xe buýt sử dụng xăng, dầu. Với xe buýt sử dụng năng lượng xanh cần cơ chế, chính sách mới phù hợp. Đặc biệt, nhiều DN đang lo ngại nhất là quy định về khấu hao phương tiện. Xe buýt sử dụng năng lượng sạch có giá thành cao gấp nhiều lần xe xăng, dầu, nếu áp dụng cách tính khấu hao và niên hạn sử dụng như hiện nay sẽ khiến DN có thể lỗ lớn.

Phạm Công

Tin liên quan