Xe ôm, shipper phải có biển hiệu: Quản cách nào?

 
Chia sẻ

Xe 2 bánh vận chuyển hành khách, hàng hóa đều phải có biển hiệu từ năm 2021. Đây là nội dung đáng chú ý tại dự thảo quy định và quản lý sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô 2 bánh mà Sở GTVT Hà Nội dự kiến áp dụng nếu được chấp thuận.

TS Trần Hữu Minh- Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng, việc xây dựng những văn bản pháp luật nhằm để tăng cường quản lý đối với hoạt động xe mô tô, xe máy, xe 3 bánh trong kinh doanh vận tải là điều cần thiết.

Bởi hiện nay, đối với quản lý vận tải bằng xe 2 bánh, xe thô sơ mới chỉ được quy định chung trong Luật đường bộ và Thông tư số 28 (2009) và Thông tư 46 (2014) của Bộ Giao thông vận tải và Nghị quyết số 05 năm 2008 của Chính phủ đã giao cho các địa phương quản lý. 

Và hiện chưa có một quy định nào cụ thể để quản lý lĩnh vực vận tải bằng xe thô sơ, xe 2 bánh giống như Nghị định 86 đối với quản lý lĩnh vực vận tải bằng ô tô. Trong khi đó, khi xe 2 bánh được mang ra kinh doanh có thể ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của hành khách và những người tham gia giao thông khác.

Xe om, shipper phai co bien hieu: Quan cach nao?  - Hinh anh 1
TP.HCM cũng từng dự thảo nội dung này nhưng đều không khả thi. Vậy Hà nội sẽ làm cách nào quản được xe ôm, shipper, hay dự thảo sẽ chung số phận với các quy định tương đồng trước đó?

Ông Minh cho rằng, để việc quản lý lĩnh vực vận tải bằng xe 2 bánh, ngoài việc đề ra quy định cần xây dựng lộ trình cụ thể và có sự chuẩn bị cần thiết.

“Ở đây nên có lộ trình vì các quốc gia trong khu vực đều quản lý xe 2 bánh tương đối chặt chẽ, không chỉ dừng lại ở cấp phù hiệu mà còn cấp giấy phép, ngoài ra còn quản lý điểm đỗ, rồi quản lý điều kiện nhận diện thương hiệu, đóng thuế, và các nhận diễn kỹ năng và trình độ của lái xe cũng như thông tin của hành khách, hành khách có thể phản hồi và .. Tất cả những vấn đề đó cần phải được đặt ra và sớm có giải pháp cụ thể”.

Ở góc nhìn khác, Luật sư Minh Trường- Giám đốc Công ty Luật Minh Khuê, Tp.HCM cách đây 10 năm và Hà Nội xây dựng quy định về việc quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải thể hiện sự nỗ lực của chính quyền các thành phố trong việc đảm bảo TTATGT. Tuy nhiên, sự “sáng tạo” của cơ quan quản lý các đô thị có nguy cơ trái với các quy định hiện nay đang áp dụng rất cao.

Luật sư Minh Trường dẫn chứng: “Trong Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các giấy tờ lái xe cầm theo là bằng lái, Giấy tờ xe, bảo hiểm. Việc đặt thêm 1 cái thẻ nữa mà không nằm trong quy định của pháp luật thì nằm trong nguy cơ trái luật. Vấn đề thứ 2 là trong Nghị định 46 năm 2016, người ta quy định nếu chở hàng hóa hoặc mang hàng hóa cồng kềnh bị phạt từ 80-100 nghìn đồng. Nếu như Hà Nội và Tp.HCM cho phép hoặc hợp thức hóa điều này sẽ trái với quy định hiện nay”.

TS Phan Lê Bình- Giảng viên trường Đại học Việt – Nhật cho rằng, việc có thêm quy định, người vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe 2 bánh phải có biển hiệu gắn ở bên trái chưa chắc đã làm công tác quản lý các phương tiện này dễ dàng hơn. Bởi vì nếu các tài xế cởi bỏ biển hiệu, áo, mũ đồng phục các cơ quan kiểm tra rất khó phát hiện và xử lý vi phạm. 

Bên cạnh đó, quy định này cũng làm gia tăng áp lực công việc cho các cấp chính quyền địa phương: “Việc đăng ký thường trú hoặc tạm trú cũng chưa được chặt chẽ lắm. Khi mà đặt ra quy định này, đẻ ra một khối lượng công việc khá lớn cho các đơn vị quản lý cấp phường,xã. Việc giao thêm 1 công việc có thể ảnh hưởng xấu đến tính khả thi cuiar quy định này. Quản lý bằng quy định này chủ yếu là quản lý trên giấy là chủ yếu chứ đưa vào thực tế là rất khó khăn”.

Những đối tượng chịu tác động trực tiếp của quy định này như lái xe ôm, shipper có suy nghĩ như thế nào. PV chương trình ghi nhận được một số ý kiến:

“Chúng tôi ở ngoại tình, chỉ làm vài ba ngày / tháng và ở không cố định. Quy định này có thể gây khó khăn trong việc xin chứng nhận ở địa phương”.

“Khi bị siết chặt như thế thì phải làm giấy tờ xác nhận đầy đủ lên cơ quan chức năng, trong khi tôi lại là người ngoại tỉnh thì không biết giấy tờ nó sẽ phức tạp như thế nào. Với lại từ trước tới này thì shipper được coi như là nghề tự do, nếu quy định trên được áp dụng thì sẽ có nhiều người được xác nhận là nghề vận chuyển như tôi, việc cạnh tranh sẽ khó khăn hơn và có thể sẽ ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân”.


“Tự dưng gắn một cái biển như này nó rất bất tiện, ngoài chạy xe ôm thì tôi còn chạy nhiều thứ khác. Nói chung là tôi không muốn cách quản lý như thế”. 

Hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang tìm cách giải quyết  và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải  bằng xe 2 bánh là điều đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để các quy định này có thể đi vào thực tế  thì cần có những văn bản bổ sung, trao quyền quản lý cho các chính quyền đô thị để những văn bản được ban hành không trái pháp luật hiện hành. 

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng lộ trình và có sự chuẩn bị kỹ càng  về cả công tác quản lý nhà nước và nâng cao nhận thức của những đối tượng chịu tác động của các quy đình này để quá trình thực thi được hiệu quả.  

Xe om, shipper phai co bien hieu: Quan cach nao?  - Hinh anh 2
Việc quản lý xe hai bánh vận chuyển hành khách và hàng hóa dẫu không dễ dàng, nhưng không phải là bất khả thi. 

Dự thảo mới đây của Sở GTVT Hà Nội về quản lý điều kiện vận chuyển hành khách hàng hóa bằng xe 2 bánh đã cụ thể hóa được các điều kiện đảm bảo an toàn và đảm bảo việc quản lý trách nhiệm cá nhân của những hành nghề vận chuyển hành khách bằng xe thô sơ.

Dự thảo này cũng có nhiều điểm mới và thuận lợi hơn so với những dự thảo quy định trước đây. Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn song dưới góc nhìn của VOVGT,  đây là quy định cần có, và không hề bất khả thi.

“Khó nhưng phải làm!” (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)

Những nỗ lực siết chặt điều kiện vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe 2 bánh của ngành GTVT Hà Nội, đề cập trong một dự thảo mới đây, là điều đáng ghi nhận, ủng hộ, dẫu có rất nhiều ý kiến phản bác vì lý do thiếu khả thi.

Điều đầu tiên cần phải khẳng định là dự thảo trên thực sự cần thiết. Bởi nó cụ thể hóa được các điều kiện đảm bảo an toàn của xe thô sơ khi vận chuyển hàng hóa trên đường, đảm bảo việc quản lý trách nhiệm cá nhân của những người hành nghề vận chuyển hành khách bằng xe thô sơ.

Tuy nhiên, điều khiến cho dự thảo này nhận được những ý kiến trái chiều là tính khả thi.

10 năm trước, TP.HCM cũng đã từng đề xuất việc xe hai bánh vận chuyển hành khách phải có biển hiệu, nhưng bất thành. Điều này cũng dễ hiểu, bởi việc lắp biển hiệu trên xe thô sơ khá phức tạp, gây tâm lý không thoải mái cho cả người hành nghề lẫn hành khách. Tuy nhiên, đề xuất lần này của Hà Nội có nhiều yếu tố thuận lợi hơn. 

Dự thảo của Hà Nội không yêu cầu xe phải lắp biển hiệu, mà chỉ yêu cầu người hành nghề đăng ký và đeo biển tên trên áo. Điều này không gây ảnh hưởng gì, thậm chí nhiều hãng xe công nghệ hiện nay còn yêu cầu nhân viên mặc đồng phục.

Điều duy nhất trở ngại đối với dự thảo này là nhiều người hành nghề có thể vì không muốn mất thời gian, và đầu tư các điều kiện đăng ký hành nghề có thể lách luật, hành nghề chui.

Đây là điều không thể tránh được ở bất cứ quy định quản lý nào. Và công cụ tốt nhất cho đến nay đối với vấn đề hành nghề chui vẫn là sự nghiêm túc của lực lượng thanh tra.

Tính khả thi của một quy định nhằm quản lý hoạt động của con người, bên cạnh sự cần thiết thực sự của nó đối với xã hội thì luôn phụ thuộc vào sự nghiêm minh của luật pháp.

Có thể vẫn có người sẵn sàng hành nghề chui và không thể đủ lực lượng thanh tra để kiểm soát triệt để. Song, nếu thanh tra giao thông hoạt động một cách nghiêm túc, xử phạt nghiêm minh, đúng đắn, thì lợi ích của việc hoạt động chui sẽ dần bị triệt tiêu.

Vì thế, việc quản lý xe hai bánh vận chuyển hành khách và hàng hóa dẫu không dễ dàng, nhưng không phải là bất khả thi.

Theo VOV Giao Thông

Tin liên quan