Xe khách "bỏ bến chạy dù"
Trong vài tháng trở lại đây, hàng trăm nhà xe đã bỏ hoạt động tại hai bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm sau khi điều chuyển luồng tuyến tại Hà Nội. Theo thống kê của Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, trong hai tháng cao điểm (12/2018 và 1/2019), bến xe Giáp Bát có 66 đơn vị vận tải với hơn 100 xe đăng ký có số chuyến hoạt động dưới 70% quy định. Trong số này, gần 30 đơn vị vận tải không hoạt động trong nhiều tháng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không đăng ký kế hoạch vận tải khách năm 2019 với bến xe.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, thống kê tại bến có khoảng 120 lốt xe thuộc 20 doanh nghiệp đã không hoạt động, hoặc hoạt động với tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 20- 40%. Hầu hết, những nhà xe này bỏ bến, hoạt động không đủ tỷ lệ quy định được chuyển từ bến xe Mỹ Đình về.
Còn tại bến Nước Ngầm, tình trạng xe bỏ bến đã xảy ra lác đác từ năm 2018 nhưng rộ lên từ đầu năm 2019 đến nay. Tính riêng trong ba tháng đầu năm nay đã có 204 lốt xe bỏ bến, chưa kể một số lốt xe có tần suất hoạt động thấp. "Chiếm phần lớn các nhà xe bỏ bến này thuộc tuyến Nước Ngầm - Nam Định và Nước Ngầm - Thái Bình được điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về đây vào năm 2017 vừa qua", lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cho hay.
Điển hình về việc bỏ bến tại bến Nước Ngầm như Công ty Cổ phần Quốc tế Mỹ Đình (tuyến Nam Định - Nước Ngầm) có hàng chục xe đã đăng ký nhưng không hoạt động, không khai thác vận tải khách; Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và vận tải Hoàng Sơn chạy tuyến Nước Ngầm - Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bỏ bến từ tháng 9/2018...
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhìn nhận thực tế xe Limousine chạy như tuyến cố định ngày càng bùng phát với số lượng rất lớn. Loại xe này không vào bến mà chạy lòng vòng đón khách tận nơi, ít bắt khách dọc đường, thời gian di chuyển nhanh… đang gây ra những hệ lụy lớn, vừa mất trật tự an toàn giao thông, vừa gây thất thu cho bến xe. "Việc xuất hiện các xe Limousine đưa đón tận nơi làm cho hành khách bỏ thói quen đến bến xe, khiến không ít tuyến cố định cũng phải ra ngoài cạnh tranh. Điều này, dẫn đến nghịch lý trong bến thì vắng khách nhưng tại các văn phòng đại diện của các nhà xe lại hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, nhà xe biến văn phòng bán vé thành bến xe riêng của mình, mọi hoạt động đón, trả khách diễn ra ngang nhiên, thách thức cơ quan chức năng", ông Liên nói.
Nhức nhối hoạt động của xe khách chạy trái tuyến
|
Nhiều xe khách chạy vượt tuyến, đón trả khách sai quy định ngay trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) |
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, khu vực xung quanh bến xe Giáp Bát, khu đô thị Đồng Tàu, khu vực Pháp Vân - Tứ Hiệp (bến xe Nước Ngầm) và đường Giải Phóng, Kim Đồng… luôn xuất hiện hoạt động của nhiều phương tiện xe khách chạy trái tuyến
Là tuyến đường cấm xe khách, hơn nữa còn cấm các nhà xe chạy trái tuyến đến các tỉnh phía Nam hoạt động, tuy nhiên thời gian qua, các tuyến đường thuộc khu đô thị Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) nhan nhản xe khách trái tuyến hoạt động. Tại cổng trường tiểu học Thịnh Liệt (Hoàng Mai), thường xuyên xuất hiện các xe khách mang thương hiệu "Vân Anh Limousine" chạy tuyến Thanh Hoá, liên tục nhận hàng, đón trả khách thay vì vào bến xe Nước Ngầm như đăng ký.
Điều đáng nói, những chiếc xe khách của nhà xe Vân Anh đều gắn phù hiệu "Xe tuyến cố định". Điều này đồng nghĩa với việc đây là xe tuyến cố định đăng ký hoạt động tại hai đầu bến, các hoạt động đón, trả khách được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chưc năng, mà ở đây là Sở GTVT Thanh Hoá và Sở GTVT Hà Nội, song không hiểu vì lý do gì mà lại hoạt động ngoài bến, theo kiểu xe dù, bến lậu?
Cách đó không xa, tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, PV ghi nhận các xe ô tô mang các BKS 74B-001.28; 75B-006.58 của nhà xe Minh Mập chạy tuyến Hà Nội – Huế đều đặn cứ vào khoảng 17h chiều là "vô tư" dừng đỗ trước cửa nhà máy nước Pháp Vân để đón khách. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ dừng đỗ tại đây, khi xe này đã bắt đủ khách, tài xế cho xe lưu thông ra phía đường Pháp Vân, hướng đi đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ về Thừa Thiên Huế…
Theo ghi nhận thực tế, ngoài việc sử dụng các xe ôtô giường nằm loại 40 chỗ dưới dạng xe hợp đồng du lịch vận chuyển hành khách theo tuyến Hà Nội - Huế với giá 280.000 đồng/người/lượt, mỗi ngày, nhà xe này có 2 chuyến cố định chạy từ Hà Nội - Huế từ 16 - 17h.
Trong khi đó, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định…