Mở rộng đường Tố Hữu
Trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương nhiều năm qua đã trở thành một trong những trục chính đô thị có lưu lượng giao thông vào loại lớn nhất của Hà Nội. Tại đây còn có tuyến buýt BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa vận hành trên làn riêng chiếm khoảng 1/3 mặt đường.
Giám đốc Công ty CP công trình giao thông 2 Phạm Trọng Nhi cho biết, mặt đường Tố Hữu rộng khoảng 11,5 m, làn dành riêng cho xe buýt BRT rộng 4m. Mặt khác, theo quy chuẩn một làn đường hiện tại phải rộng tối thiểu 3,5m; như vậy 2/3 còn lại của mặt đường Tố Hữu chỉ đủ đáp ứng hai làn xe.
Không gian lưu thông chật chội, quá tải áp lực nhiều năm qua đã khiến trục Tố Hữu - Lê Văn Lương thường xuyên rơi vào cảnh UTGT trầm trọng, đặc biệt là giờ cao điểm hay khi mưa lớn. Thời gian qua, có không ít ý kiến đề nghị bỏ làn đường dành riêng cho xe buýt BRT để mở rộng mặt đường cho các loại phương tiện khác lưu thông.
|
Trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương nhiều năm qua đã trở thành một trong những trục chính đô thị có lưu lượng giao thông vào loại lớn nhất của Hà Nội. |
Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, loại bỏ làn đường riêng cho xe buýt BRT là rất khó và không phù hợp với xu thế chung ưu tiên các loại hình vận tải công cộng. Xe buýt BRT bản thân nó cũng chưa bao được vận hành theo đúng bài bản, cần cho nó thêm cơ hội và thời gian để chứng minh ưu thế của mình.
Thạc sĩ Phan Trường Thành chia sẻ: “Hiện vẫn có cách để giữ làn đường riêng cho xe buýt BRT mà đồng thời mở rộng không gian lưu thông cho đường Tố Hữu. Đó là xén hè đường Tố Hữu, đoạn từ Trung Văn đến nút giao đường Lê Trọng Tấn”.
Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, hiện vỉa hè trên đường Lê Văn Lương hầu như đã không còn đủ lớn để xén, mở rộng mặt đường. Nhưng đường Tố Hữu lại có thể nghiên cứu, cân nhắc, do vỉa hè hai bên còn khá rộng, có chỗ khoảng từ 7 - 10m.
Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, hiện đoạn mặt đường Tố Hữu tiếp giáp miệng hầm chui Lê Văn Lương đã được xén hè, mở rộng thêm 7m, mỗi bên thêm được một làn đường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi hầm chui Lê Văn Lương thông xe, lưu lượng từ các hướng Lê Văn Lương, Vành đai 3 đổ vào Tố Hữu sẽ tăng vọt, áp lực có thể khiến đoạn tuyến từ Trung Văn - Lê Trọng Tấn UTGT nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, rất cần tính toán trước phương án đồng bộ năng lực lưu thông đường Tố Hữu với hầm chui Lê Văn Lương và khu vực xung quanh để bổ trợ, khai thác tối đa hạ tầng giao thông hiện đại.
Yếu huyệt nút giao Hoàng Minh Giám
Tương tự khu đường Tố Hữu, các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, hầm chui Lê Văn Lương có thể là cửa khẩu đưa “cơn lũ” phương tiện ồ ạt đổ vào tuyến đường Lê Văn Lương.
Yếu huyệt đầu tiên là nút giao với đường Hoàng Minh Giám, nơi hướng đi Tố Hữu - Lê Văn Lương xung đột trực tiếp với hướng Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân.
|
Hiện đoạn mặt đường Tố Hữu tiếp giáp miệng hầm chui Lê Văn Lương đã được xén hè, mở rộng thêm 7m, mỗi bên thêm được một làn đường. |
Khu vực này có nguy cơ UTGT rất lớn, lan rộng ra cả đường Nguyễn Tuân vốn là một chiếc cổ chai chật hẹp; gây nghẽn ứ phương tiện cho khu vực Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám.
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Hầm chui Lê Văn Lương sẽ phát huy tác dụng rất lớn cho cả khu vực, nhưng nó cũng sẽ đẩy áp lực giao thông về hai phía. Dòng chảy phương tiện sẽ tiến sát nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Trong khi khả năng tiếp nhận, giải tỏa áp lực của nút lại cực kỳ khiêm tốn”.
Đồng quan điểm, Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng: “Trên cả trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, điểm giao cắt với đường Hoàng Minh Giám là đáng lo ngại nhất. Cả 3 trục giao thông lớn gồm: Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng đều phân bổ một phần lưu lượng qua đường Hoàng Minh Giám, cộng với áp lực của tuyến Vành đai 2, Vành đai 3. Có thể xem nút Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám như một nút thắt trung tâm của toàn khu vực”.
Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần xem xét triển khai một dự án cầu vượt nhẹ theo hướng trực thông trên đường Hoàng Minh Giám, vượt qua nút giao với đường Lê Văn Lương, góp phần đồng bộ, tăng cường hiệu quả tổ chức giao thông cho cả khu vực.
Trong thực tế, Hà Nội đã làm một số cầu vượt nhẹ, chi phí đầu tư không quá lớn, thời gian xây dựng nhanh, nhưng lại phát huy hiệu quả rất tích cực đối với giao thông, nhất là tại những điểm “nóng”. Ví dụ như cầu vượt nhẹ nút Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng trước đây chỉ thi công trong 5 tháng đã hoàn thành.
Về lâu dài, khu vực cửa ngõ Tây Nam Hà Nội với các tuyến giao thông lớn như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng cần được đồng bộ năng lực lưu thông. Hiện, đã có 2 hầm chui: Thanh Xuân, Trung Hoà, sắp tới là hầm chui Lê Văn Lương.
Muốn kết nối tốt để phân giải áp lực giao thông cho các tuyến này cần các tuyến đường ngang có năng lực thông hành tốt hơn, mà trục Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân là một trong những vạch nối quan trọng nhất.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét việc xây dựng cầu vượt nhẹ trên đường Hoàng Minh Giám, tại vị trí nút giao với Lê Văn Lương. Bởi kế cận, cùng hướng trực thông đã có cầu vượt nhẹ qua nút giao với Trần Duy Hưng.
Việc liên tiếp lên xuống cầu vượt trên một cung đường ngắn có thể gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Nếu xây dựng phải có sự tính toán thận trọng, phù hợp để đảm bảo ATGT.