Ông Đào Việt Long cho rằng, một trong những biện pháp quan trọng nhất là phải phân định rõ trách nhiệm của tất cả các lực lượng liên quan.
Tồn tại phức tạp
Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng xe “dù” bến “cóc”, xe khách trá hình hiện nay trên địa bàn Hà Nội?
- Tình trạng xe “dù” bến “cóc”, xe khách trá hình đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, đặc biệt là các TP lớn. Những dịp cuối năm, lễ hội Xuân, khi nhu cầu đi lại tăng cao, các loại hình trên lại có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe… gây mất trật tự, ATGT. Bên cạnh đó còn gây thất thu thuế cho Nhà nước, xâm phạm quyền lợi của hành khách đi xe khi không có bảo hiểm cho trường hợp xảy ra sự cố ATGT; gây bức xúc dư luận xã hội...
Nhiều DN vận tải hiện nay còn sử dụng những chiêu trò rất tinh vi để cố tình lách luật. Ví dụ như đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định chỉ thông qua địa bàn Hà Nội để được đón, trả khách, hàng hóa tại nhiều nơi trong TP. Hay tinh vi hơn là ký hợp đồng vận chuyển hành khách với các DN du lịch, lữ hành (hoặc tự thành lập) để nhận đặt chỗ, gom khách, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Có DN vận tải sử dụng cả xe biển số Lào để hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch hai chiều, như trên tuyến Sapa, Lào Cai chẳng hạn, nhằm tránh né các thủ tục kiểm soát. Một số xe sử dụng phù hiệu Xe khách tuyến cố định làm giả…
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?
- Đối với hành khách, cứ thuận tiện, giá cả phù hợp, chất lượng dịch vụ tốt là họ sẽ lựa chọn. Thực tế cho thấy, xe “dù”, xe khách trá hình thường lựa chọn tuyến đường hoặc vị trí đón khách ở những khu vực gần trường đại học, cao đẳng, khu chung cư, bệnh viện… hoặc sẵn sàng đưa đón tận nơi. Trong khi đó xe khách tuyến cố định chỉ có thể đón trả tại bến, rõ ràng là kém thuận tiện hơn.
Xe khách đón trả khách sai quy định trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Công Hùng
|
Với không ít người dân, để đến được bến xe phải trung chuyển qua nhiều hình thức như người nhà đưa đón, xe ôm, taxi, xe buýt, dẫn đến tốn thêm một khoản chi phí nữa ngoài vé xe liên tỉnh. Trong khi đó, xe khách trá hình, xe “dù”… đưa đón tận nơi mà giá vé chỉ tương đương. Về chất lượng dịch vụ, lại càng có sự chênh lệch. Bởi nhiều DN kinh doanh xe khách tuyến cố định hiện nay còn chưa chú trọng đến việc đầu tư, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thậm chí, ham lợi nhuận trước mắt, còn sẵn sàng vòng vo dọc đường để bắt thêm khách, nhồi nhét, thu quá giá… dẫn đến việc hành khách có tâm lý ngại, sợ sử dụng xe tuyến cố định; chuyển sang lựa chọn xe khách trá hình hoặc các loại hình vận tải khác.
Bên cạnh đó, nhiều DN vận tải tuyến cố định chưa quan tâm đúng mức đến việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, đặt vé, quảng bá thương hiệu… trong khi xe khách trá hình thì ngược lại. Tôi cho rằng, bên cạnh những vấn đề khách quan thì nguyên nhân đầu tiên là sự chuyển mình chậm trễ của chính các DN vận tải hành khách tuyến cố định nên khó cạnh tranh với xe khách trá hình.
Vai trò đặc biệt của địa phương
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách thì sao, thưa ông?
- Cho đến nay, công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ cũng như chính quyền địa phương còn chưa triệt để, kịp thời. Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến vi phạm tiếp tục tái diễn, bỏ sót vi phạm... Chưa quy được trách nhiệm rõ ràng của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động vận tải.
Ý thức chấp hành pháp luật của một số DN vận tải và người lái xe chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải còn mang tính hình thức, thời vụ. Chưa chú trọng tuyên truyền nhằm thay đổi ý thức để người dân không bắt xe dọc đường, trên đường cao tốc… mà vào bến xe mua vé. Chưa áp dụng khoa học công nghệ trong nhận diện, cảnh báo, trích xuất dữ liệu để xử phạt các vi phạm như chạy sai hành trình, đón trả khách sai quy định…
Vậy theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn xe “dù” bến “cóc”, xe khách trá hình?
- Đề giải quyết những tồn tại trên cần một lộ trình dài hạn. Phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách quản lý để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải phù hợp với nhu cầu đi lại của Nhân dân. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Quan trọng nhất là phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng, địa phương liên quan, trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi việc quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm hay việc xóa bỏ các bến, bãi trái phép; kiểm soát hoạt động của các văn phòng xe núp bóng hợp đồng, du lịch… chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, đốc thúc lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt.
Về lâu dài, Hà Nội cần đầu tư và bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học các bến xe khách liên tỉnh cũng như mạng lưới luồng tuyến vận tải, đảm bảo thuận tiện cho Nhân dân tiếp cận. Bổ sung nhiều tuyến buýt kết nối từ bến xe tới các khu dân cư, trường học, bệnh viện... Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, TP khác phát triển hệ thống xe buýt kế cận; phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối thẳng từ trung tâm đô thị và hay các khu du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô…
Xin cảm ơn ông!
Bộ GTVT cần khẩn trương rà soát, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; phân định rõ ràng giữa các loại hình vận tải, không để DN vận tải, lái xe lợi dụng kẽ hở lách luật. Với số lượng phương tiện, DN vận tải, người lái xe ngày càng tăng trong giai đoạn phát triển công nghệ như hiện nay, việc đầu tư, xây dựng, hoàn thiện các phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải là rất cần thiết và cấp bách.
|