|
Bộ GTVT trả lời kiến nghị miễn phí đăng kiểm phương tiện thủy. |
Nội dung kiến nghị nêu: "Đề nghị xem xét miễn lệ phí đăng ký và chi phí kiểm định lần đầu cho các phương tiện thủy gia dụng loại nhỏ (phương tiện có động cơ công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người) đang hoạt động tại các sông, suối, lòng hồ thủy điện không sử dụng để kinh doanh dịch vụ vận tải".
Trong đó, Bộ GTVT cho biết, theo quy định của pháp luật về giá, phí và lệ phí, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì ban hành quy định về lệ phí đăng ký và giá dịch vụ kiểm định đối với các loại phương tiện thủy nội địa, bao gồm cả các loại phương tiện có tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, không kinh doanh vận tải.
"Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ có ý kiến với Bộ Tài chính trong quá trình Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về lệ phí đăng ký và giá kiểm định đối với các loại phương tiện thủy nội địa nêu trên", văn bản trả lời của Bộ GTVT.
Liên quan đề xuất trên, theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, thời gian qua, một số địa phương cũng đề xuất có cơ chế, chính sách miễn giảm phí, lệ phí đăng kiểm cho phương tiện thủy nội địa gia dụng. Bởi lẽ, hầu hết phương tiện này hoạt động tại khu vực vùng sâu, vùng xa và người sử dụng là hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Dẫn chứng, tại tỉnh Yên Bái, tháng 8/2020, tại buổi làm việc của Cục Đăng kiểm VN và Cục Đường thủy nội địa VN với Sở GTVT Yên Bái kiểm tra tình hình trật tự ATGT đường thủy lòng hồ thủy điện Thác Bà, Sở GTVT Yên Bái đề xuất miễn, giảm chi phí đăng kiểm phương tiện thủy gia dụng để hỗ trợ người dân và đưa phương tiện vào quản lý, góp phần giảm thiểu tai nạn đối với phương tiện thủy gia dụng.
Theo Sở GTVT Yên Bái, lòng hồ thủy điện Thác Bà là khu du lịch quốc gia, có gần 90km đường thủy quốc gia, địa phương được đưa vào khai thác vận tải, song tổng diện tích vùng nước lên đến hơn 23.000m2, với hàng trăm hòn đảo, tuyến nhánh. Trên hồ hiện chỉ có hơn chục tàu du lịch, chở khách và tàu chở hàng có trọng tải lớn có đăng ký, đăng kiểm; còn lại khoảng vài trăm phương tiện thủy gia dụng có gắn động cơ chưa đăng ký, đăng kiểm, nhiều người chưa có chứng chỉ lái phương tiện nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Trong khi đó, khó khăn trong công tác quản lý là người dân có điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều phương tiện gia dụng gắn máy thuộc diện đăng kiểm không có hồ sơ gốc, chi phí đăng kiểm cao (khoảng 1 triệu đồng đối với đăng kiểm lần đầu, 200 nghìn đồng đối với đăng kiểm định kỳ). Cũng vì vậy, người dân thường trốn tránh thực hiện đăng kiểm, đăng ký phương tiện gia dụng, trốn tránh khi bị kiểm tra, xử lý vi phạm.
Được biết, theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, phương tiện thủy nội địa sử dụng động cơ có công suất máy chính từ 5CV (sức ngựa) đến 15CV hoặc sức chở từ 5 đến 12 người phải đăng ký, đăng kiểm mới được tham gia giao thông.