Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa

NGUYỄN MINH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ GTVT vừa gửi công văn đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (dự thảo QCVN 72: 2023/BGTVT). Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong vòng 30 ngày, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn hiện dự thảo thông tư để trình Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành quy chuẩn mới.

 Quy chuan ky thuat quoc gia ve quy pham phan cap va dong phuong tien thuy noi dia - Hinh anh 1
Ảnh minh họa 

Quy chuẩn nói trên áp dụng cho phương tiện thủy có các đặc trưng: chiều dài thiết kế từ 20 m trở lên, tàu có động cơ tổng công suất máy chính từ 37 kW (50 sức ngựa) trở lên; các tàu không phụ thuộc vào chiều dài thiết kế và tổng công suất máy chính (tàu chở khách, nhà hàng nổi; tàu cánh ngầm, tàu công trình, tàu đệm khí...). 

So với quy chuẩn hiện hành (QCVN 72:2013/BGTVT), đáng chú ý, dự thảo quy chuẩn mới có sự thay đổi lớn về chu kỳ kiểm định phương tiện thủy, theo hướng miễn, kéo dài hơn chu kỳ đăng kiểm đối với phương tiện thủy đang khai thác.

Cụ thể, về loại hình kiểm định "Kiểm tra hàng năm", dự thảo quy chuẩn miễn áp dụng cho đến khi tàu 5 tuổi đối với các tàu mang cấp VR-SI, VR-SII, VR-SIII không phải là tàu khách, tàu chở người, tàu chở dầu, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở hàng nguy hiểm, tàu vỏ gỗ. Còn theo quy định hiện nay: kiểm tra hàng năm theo mốc thời gian 12 tháng/lần đối với các loại tàu, riêng với tàu vỏ gỗ  6 tháng/lần.

Về loại hình kiểm định "Kiểm tra trung gian", dự thảo quy chuẩn áp dụng chung thời hạn không quá 36 tháng (hiện quy định không quá 12 tháng đối tàu khách cao tốc, không quá 36 tháng đối với tàu chở hàng nguy hiểm, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm, khí hóa lỏng). Còn với kiểm tra trên đà, dự thảo quy chuẩn chỉ kiểm tra trên đà 5 năm/1 lần cho đến khi tàu tròn 10 tuổi (hiện quy định kiểm tra 12 tháng/lần đối với tàu vỏ gỗ; 36 tháng/lần đối với các loại tàu còn lại).


Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc sửa đổi chu kỳ kiểm định phương tiện thủy như trên nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, chủ phương tiện trong quá trình khai thác, vận hành phương tiện thủy. Tuy nhiên, để duy trì chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện thủy giữa hai lần đăng kiểm, dự thảo quy chuẩn cũng bổ sung, ràng buộc chủ phương tiện "chịu trách nhiệm bảo đảm tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo các tiêu chuẩn quy định giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan đăng kiểm" theo  khoản 1 Điều 26 của Luật Giao thông đường thủy nội địa. 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Cục Đăng kiểm VN xây dựng kế hoạch, đào tạo, huấn luyện bổ sung nghiệp vụ kiểm tra an toàn kỹ thuật cho các cán bộ, nhân viên cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nhằm tăng cường công tác kiểm tra phương tiện thủy khi vào, rời cảng, bến.

Cùng với nội dung trên, cũng đáng chú ý, dự thảo quy chuẩn bổ sung cách tính toán chiều cao sóng đáng kể để ấn định cấp tàu đối với các tàu hoạt động trong khu vực chưa quy định cụ thể về cấp hoạt động. Sửa đổi quy định về chiều cao sóng đáng kể Hs theo cấp tàu để hỗ trợ người vận hành cũng như phục vụ cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động của tàu. Bổ sung, sửa đổi quy định liên quan đến mạn khô tàu VR-SB, theo hướng tiệm cận với tàu biển hạn chế III.

Tin liên quan