Xe rác tập kết tràn lan
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị những ngày giữa tháng 5, đi trên các con phố Đại La, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Nguyễn Công Trứ, Triệu Việt Vương, Lò Đúc, Chùa Bộc, Thái Hà, những con ngõ trên đường Huỳnh Thúc Kháng, không khó để bắt gặp hình ảnh chân rác từ lòng đường, các xe rác được chất đống, đủ loại rác thải sinh hoạt ở tình trạng không che phủ bạt, bốc mùi hôi thối, tập kết hàng dài tại vị trí trong khu dân cư lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh khu vực.
Tại phố Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), hàng ngày vào cuối giờ tan tầm, những xe rác nối đuôi nhau tập kết dưới gầm cầu chờ vận chuyển, nước rác rỉ ra, rác vương vãi.
Thu gom rác thải trên phố Mai Anh Tuấn, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
|
Cách đó không xa là điểm tập kết rác tại ngã ba ngõ 122 Vĩnh Tuy - đối diện với chung cư UDIC, khu vực này không chỉ là nơi tập trung đông dân cư mà còn có trường học, xí nghiệp, nhà máy. Thế nhưng, vào những giờ cao điểm, nhất là tầm 18 - 19 giờ, xe rác để lấn ra khoảng 1/3 đường, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Theo bà Nguyễn Thị Bích, người dân sinh sống tại ngõ 122 Vĩnh Tuy, xe rác tập kết ở đây bốc mùi rất khó chịu. Nhiều người đi qua tiện tay là vứt rác, đôi khi rác thải chất thành đống, có túi rơi vãi ra đường. "Ở đây nhiều hàng ăn, quán nước, cư dân ra vào đông đúc mà chiều tối nào cũng vậy, xe rác cứ như một mình một lãnh địa, người dân rất bức xúc nhưng không biết làm thế nào. Mong đơn vị thu gom sớm bố trí vị trí tập kết rác đến nơi phù hơn, đảm bảo cuộc sống cho chúng tôi được an toàn” - bà Bích đề nghị.
Không chỉ các tuyến phố lớn, ngay tại các con ngõ nhỏ trong khu dân cư, thực trạng trên cũng khá phổ biến. Một số thùng thu gom rác thải, xe rác, những chân rác tồn tại nằm lộ thiên giữa chợ, nhà dân đang khiến người dân phải chịu cảnh ô nhiễm khi sống gần kề với những bãi rác không tên. Nhiều người dân tỏ ra lo lắng, nếu không đảm bảo vệ sinh môi trường ở những khu vực này rất có thể lây lan dịch bệnh.
Sớm quy hoạch vị trí tập kết rác phù hợp
Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đi đôi với áp lực từ lượng rác thải hàng ngày tăng lên. Đây cũng chính là mối lo về môi trường nếu các điểm tập kết rác không được kiểm soát tốt. Ông Hoàng Tuấn Thắng - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, phường Láng Hạ (quận Đống Đa) chia sẻ: “Việc những bãi rác tự phát, xe rác tập kết ngay trong khu dân cư đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp phù hợp, để giải quyết vấn đề này”.
Hiện nay, TP Hà Nội có 26 đơn vị tham gia thu gom, xử lý rác. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) phụ trách duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường của 7/30 quận, huyện, trong đó có 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và 3 địa bàn mới là quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Oai, huyện Mỹ Đức. Theo đại diện Công ty Urenco, trong quá trình thu gom, nhân viên môi trường đã tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng quy định. Nhưng thực tế, vẫn còn một số người dân bỏ rác sai giờ, không đúng nơi quy định gây khó khăn trong công tác thu gom.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, để thiết lập vị trí các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác hoạt động hiệu quả, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân là bài toán không đơn giản. Bởi bên cạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn, tham gia vệ sinh môi trường ở khu dân cư, rất cần sự đầu tư nâng cấp đồng bộ về quy trình vận chuyển, xử lý rác hiện nay và ý thức, trách nhiệm của công nhân thu gom
“Công nhân thu gom cũng cần phải có văn hóa thu gom, chứ không phải cứ việc mình mình làm, không quan sát, không làm đúng nguyên tắc thu gom. Cùng đó, TP cần triển khai quy hoạch khu tập kết rác phù hợp để không còn tình trạng đường phố biến thành các bãi rác gây cản trở giao thông, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và mỹ quan của đô thị”- GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nói.
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt, trong đó có 8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới. Tuy nhiên, tiến trình này cần được đẩy nhanh kết hợp giữa việc áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại để đáp ứng sự phát triển của Thủ đô. |