|
Người đàn ông điều khiển xe gắn máy đã “tiếp sức” cho một phương tiện khác lưu thông trên đường Võ Chí Công (Ảnh: K.Tiến) |
Sáng 3/11, trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) nhiều người đi đường không khỏi bức xúc khi chứng người đàn ông điều khiển xe gắn máy đã “tiếp sức” cho một phương tiện khác lưu thông trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) bằng cách dùng chân để đẩy.
Trên thực tế, tại các tuyến đường ở Hà Nội, không khó để bắt gặp một bộ phận người tham gia giao thông dùng xe mô tô, xe gắn máy để kéo, đẩy một phương tiện khác có thể là xe đạp, xe máy đang gặp sự cố bất kì như chết máy, hết xăng hay đơn giản là đẩy nhau để đi cho nhanh.
Điều đáng nói là, hành vi kéo, đẩy xe gây nguy hiểm cho người lưu thông và vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nếu chẳng may xe hư, hoặc hết xăng thì người tham gia giao thông nên tìm biện pháp khác thích hợp hơn để đảm bảo an toàn và giữ gìn văn hóa giao thông.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là :
Phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn thực hiện hành vi kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Trường hợp người điều khiển xe vi phạm quy định trên mà gây ra tai nạn giao thông, thì còn bị tước giấy phép lái xe từ 2 tháng - 4 tháng.
Mặc dù quy định đã được đưa ra, tuy nhiên, người vi phạm “lách luật” bằng cách, khi phát hiện lực lượng tuần tra, các đối tượng thực hiện hành vi kéo đẩy dễ ràng tách ra, tấp vào lề đường dẫn bộ để tránh bị xử phạt. Ngay sau đó, khi qua khỏi khu vực có mặt cơ quan chức năng thì các đối tượng lại tiếp tục vô tư thực hiện hành vi nguy hiểm trên...
Như phản ánh từ người dân, ám ảnh nhất là khi hành vi này diễn ra tại các ngã tư lớn, cổng bệnh viện, trường học. Chị Lê Mỹ Uyên (quận Hoàn Kiếm) cho rằng: “Những địa điểm trên vốn đã có mật độ lưu thông dày đặc vào các khung giờ cao điểm, do vậy nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao khi các phương tiện đẩy, kéo nhau thản nhiên dàn thành hàng 2, thậm chí hàng 3. Trong tíc tắc xảy ra va quẹt, các phương tiện đều không xử lý kịp và tai nạn xảy ra là điều hiển nhiên không thể chối cãi”.
Ngoài ra, chính sự dễ dãi, thờ ơ của những người đi đường cũng đã góp phần tạo điều kiện cho những sai phạm này cứ lặp đi, lặp lại. Từng gặp tai nạn va quệt với những phương tiện đang kéo, đẩy nhau trên đường nhưng bởi vụ tai nạn không nghiêm trọng, không bị tổn hại quá mức, anh Nguyễn Văn An (Cầu Giấy) cũng đành ngao ngán, tặc lưỡi, chấp nhận bỏ qua, cho rằng mình...xui vì không muốn phát sinh thêm chuyện rắc rối.
Tuy nhiên, chính hành động tặc lưỡi bỏ qua của người tham gia giao thông cũng khiến các chủ phương tiện vi phạm ấy tiếp tục tiếp diễn tình trạng kéo đẩy nhau trên đường và mang hiểm họa theo bánh xe chực chờ qua các cung đường khác.
Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn cho mình, người tham gia giao thông cần có ý thức hơn nữa trong việc chấp hành Luật giao thông đường bộ.