Dân nông thôn, miền núi giảm dần uống rượu lái xe

 
Chia sẻ

Không chỉ tại các thành phố lớn, nhận thức của người dân tại các vùng sâu, vùng xa về tác hại rượu, bia cũng có những chuyển biến rõ rệt.

Dan nong thon, mien nui giam dan uong ruou lai xe - Hinh anh 1
CSGT Lạng Sơn kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên QL1. Ảnh: Thương Nguyễn

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, điều bất ngờ là không chỉ tại các thành phố lớn, nhận thức của người dân tại các vùng sâu, vùng xa cũng có những chuyển biến rõ rệt. Tập quán, thói quen uống rượu bia trong sinh hoạt ở không ít nơi đã dần thay đổi.

Tuyên truyền sâu rộng để người dân tự chấp hành

Huyện miền núi Quỳ Hợp nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Thổ. Nơi đây việc uống rượu, rượu cần trong những bữa tiệc đã trở thành tập tục lâu đời, nét văn hóa trong mỗi dịp ma chay, cưới hỏi. Thế nhưng, từ khi Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, bà con dân bản đã không còn ham chén rượu như trước. Già làng Phạm Quang Hưng, trú thôn Quyết Tiến, xã Tam Hợp cho biết: “Giờ đi đâu, làm gì cũng nghe bà con nhắc đến Nghị định 100, chứng tỏ bà con đã tìm hiểu và nhận thức rõ về quy định mới này”.

Bản thân già làng Hưng cũng rất tích cực trong việc tuyên truyền nhắc nhở bà con. Là thành viên thuộc Hội Đông y tỉnh, hàng ngày, trong quá trình bốc thuốc, trên hướng dẫn sử dụng thuốc già đều dán dòng chữ khuyến cáo bà con là phải kiêng rượu bia.

Thượng tá Lang Xuân Dung, Phó trưởng Công an huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cho biết: “Với đặc thù văn hóa địa phương có nhiều lễ hội nên đồng bào thường xuyên sử dụng rượu bia. Trong khi đó, nhận thức của đồng bào còn hạn chế so với người dân ở vùng thành phố và miền xuôi. Cho nên khi triển khai Nghị định mới, chúng tôi ưu tiên nhiều hơn cho công tác tuyên truyền. Nhờ đó, khi ra quân xử lý, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn rất ít. Có thời điểm chúng tôi kiểm tra hàng chục phương tiện nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm”, Thượng tá Dung cho biết thêm.

Tương tự, tại huyện miền núi Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Mường và Môn cũng đã thay đổi nhận thức về việc uống rượu khi liên tục được lực lượng chức năng tuyên truyền. Thượng tá Hoàng Chí Đăng, Trưởng Công an huyện Quan Sơn cho biết: “Sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, chúng tôi đã tuyên truyền tới tận thôn, bản trên địa bàn các xã. Thực tế người dân ở huyện miền núi rất nghèo, phương tiện của bà con chỉ là những chiếc xe máy giá trị thấp, từ 1 - 2 triệu đồng/xe. Nếu xử lý ngay theo Nghị định thì người dân không có tiền nộp phạt, sẽ có không ít trường hợp thà bỏ xe còn hơn bị phạt. Vì vậy, trong quá trình xử lý vi phạm chúng tôi vẫn luôn ưu tiên tuyên truyền nhắc nhở trước, chỉ những trường hợp cố tình tái phạm mới tiến hành xử lý.

Vi phạm giảm nhưng không lơ là, chủ quan

Trong khi đó, tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã giảm đi rất nhiều. Thiếu tá Hà Đức Đàn, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, năm 2019, lần nào ra quân đơn vị cũng đều phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn, thậm chí, có cả phụ nữ. Tuy nhiên, từ ngày 1/1 đến nay, đơn vị mới phát hiện 2 trường hợp đi xe máy vi phạm ở mức thấp.

Hay như ở tỉnh Cao Bằng - nơi mà những chén rượu đầy được tính như thước đo tình cảm, tình trạng uống rượu rồi lái xe cũng giảm rõ rệt. Đi đến đâu, từ ngoài chợ đến cửa hàng, bàn ăn cũng thấy người dân bàn tán xôn xao về mức phạt theo quy định mới tăng cao nên không dám vi phạm. Gần 2 tuần triển khai ra quân, lực lượng CSGT Công an tỉnh Cao Bằng mới phát hiện, xử lý 6 trường hợp vi phạm nồng độ cồn tại TP Cao Bằng và huyện Hòa An. Trong khi đó, tình trạng uống rượu bia lái xe trước đây diễn ra rất phức tạp.

Còn tại Lạng Sơn, số người uống rượu bia điều khiển phương tiện cũng đã giảm đi rất nhiều. Trung tá Nguyễn Đức Tam, Đội trưởng CSGT Công an huyện Cao Lộc cho biết: Những ngày gần đây, cứ mở điện thoại, ti vi, đài báo ra là thấy có xử phạt vi phạm nồng độ cồn nên ý thức người dân được nâng lên, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể, không còn cảnh từng tốp thanh niên “tụm 5, tụm 3” uống rượu rồi đi xe về như trước nữa. Tuy vậy, Đội luôn xác định đây là cuộc chiến lâu dài, còn nhiều khó khăn nên vẫn tích cực ra quân kiểm tra nồng độ cồn để người dân không lơ là, chủ quan. Từ đó, từng bước làm thay đổi thói quên, sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện của người dân.


Theo báo Giao thông

Tin liên quan