Hiểm họa từ việc học sinh vô tư đi xe phân khối lớn tới trường: Khi phụ huynh là người tiếp tay!

 
Chia sẻ

Trong năm qua, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) nhưng tình trạng mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra phức tạp. Đặc biệt xảy ra nhiều vụ việc do học sinh điều khiển xe máy quá dung tích quy định gây nên.

Hiem hoa tu viec hoc sinh vo tu di xe phan khoi lon toi truong: Khi phu huynh la nguoi tiep tay! - Hinh anh 1
Tại các cổng trường THPT trên địa bàn Hà Nội, không khó để nhận thấy nhiều học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn vượt mức cho phép.

Lờ quy định, ẩn họa cho giao thông

 Hiện nay, việc học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe là vấn đề cần được quan tâm, bởi thực tế không ít vụ TNGT xảy ra, trong đó người gây tai nạn và nạn nhân thuộc nhóm đối tượng này. Theo điều tra của Ủy ban ATGT quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 - 35. Trong đó, khoảng 80% là học sinh, sinh viên khi đi xe máy không có Giấy phép lái xe; 95% điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường.

Dù đã có không ít vụ TNGT xảy đến với các em học sinh khi đi xe máy tới trường, không đội mũ bảo hiểm, nhưng dường như một phần không nhỏ bộ phận này chưa nhận thức được mối nguy hiểm cũng như hậu quả của việc vi phạm quy tắc ATGT khi điều khiển phương tiện ra đường.

Theo quan sát thực tế của phóng viên trên nhiều con đường và đặc biệt là tại các cổng trường THPT trên địa bàn Hà Nội, không khó để nhận thấy nhiều học sinh vẫn còn mặc nguyên đồng phục sử dụng xe máy phân khối lớn vượt mức cho phép và thậm chí không đội mũ bảo hiểm.

Hình ảnh mỗi khi tan trường, học sinh "tụm năm, tụm ba", dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp, xe máy dàn hàng ngang thậm chí "kẹp ba, kẹp bốn", lạng lách, đánh võng... không phải là hiếm gặp. Thậm chí, không ít học sinh tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí mô tô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, tụ tập thành nhóm đi tốc độ cao, nô đùa trên nhiều tuyến phố...

Tại Trường THPT Cầu Giấy (Quan Hoa, Cầu Giấy) vào khoảng 5 giờ chiều, từ trong cổng trường hàng loạt học sinh với đủ loại phương tiện xe máy, xe đạp đổ ra đường. Đáng chú ý, theo quan sát của số lượng học sinh sử dụng xe máy quá dung tích quy định diễn ra phổ biển. Các loại xe thường được các em sử dụng là các loại xe số như Dreem, Wei A, Honda Wave Alpha 100, Jupitov Yamaha.

Nguyên do là loại xe số này giá cả khá hợp lý, sử dụng dễ dàng, tuổi thọ bền hơn và ít tốn xăng hơn xe ga. Còn Trường THPT Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, vào tầm đầu giờ học sinh đến trường và tan học, sẽ mục sở thị cảnh hàng trăm học sinh đi xe máy tới trường. Tuy nhiên, các học sinh này không đi thẳng vào trường để gửi xe mà gửi tại các nhà dân cạnh đó. Khi hỏi một chị chủ quán nhận trông xe cho biết, do nhà trường cấm học sinh đi xe máy phân khối lớn nên các em gửi xe ở ngoài trường để lách luật.

Tương tự để hợp pháp việc sử dụng xe máy không đúng quy định đến trường, nhiều học sinh Trường THPT Lê Quý Đông (Nguyễn Trãi, Hà Đông) cũng chọn giải pháp gửi xe quanh khu vực trường. Khi được hỏi về lý do tự đi xe phân khối lớn, một nam sinh lớp 11 trường Lê Quý Đôn (Nguyễn Trãi, Hà Đông) vô tư trả lời: “Nhà em cách trường cũng xa, ngày trước học cấp 2 bố mẹ thường đưa đón bằng xe ô tô, bây giờ em lên cấp 3, lớn rồi nên tự đi xe máy. Nhà có dư 2 cái xe, em thích dùng xe nào cũng được”. Để chứng minh cho việc sử dụng thành thạo xe máy của mình, sau khi trả lời phóng viên, bạn này lập tức gọi thêm 2 bạn học sinh nữa lên xe và phóng thẳng ra đường lớn.

Nhiều học sinh ở các Trường THPT khác cũng có câu trả lời tương tự nam sinh Trường Lê Quý Đôn. Tuy nhiên, đáng nói là hầu như các em không hề biết xe nào được gọi là xe phân khối lớn và tuổi của mình thì được đi loại xe nào.

Bức xúc trước tình trạng trên, Chị Lê Thị Hiền (Quan Hoa, Cầu Giấy) chia sẻ: “Mỗi lần đi ra đường gặp các bạn học sinh đi xe máy tôi cảm thấy cực kì nguy hiểm, vì các em tuổi này điều khiển xe chưa vững lại thích thể hiện, nhiều khi phóng xe ào ào rồi tông cả vào người khác. Mấy tháng trước, đang đi trên đường Nguyễn Khánh Toàn thì bị một nhóm học sinh học ở Trường THPT Cầu Giấy từ trong ngõ lao ra, tông thẳng vào xe khiến tôi ngã trầy xước hết chân tay, phải nằm viện điều trị mất chục hôm, đến giờ người vẫn đầy sẹo”.

Phụ huynh chiều con quá thái

 Việc học sinh sử dụng xe phân khối lớn đến trường không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người khác mà còn gây nguy hiểm cho chính bản thân mình.

Anh Nguyễn Quyền(Phú Lãm, Hà Đông) chia sẻ: “Mới cách đây vài tuần, ngay cạnh nhà tôivừa xảy ra một vụ tai nạn do học sinh cấp 3 trên đường đi học gây ra. Em này chắc mới được bố mẹ cho sử dụng xe máy, trong lúc vít ga quá đà đã tông thẳng vào một chiếc xe ô tô đang đi ngang ngã tư gần đó. Hậu quả là mặt em ấy cắm thẳng vào xe, gãy chân và rụng mất 2 cái răng phải đi viện cấp cứu”.

Tình trạng mất ATGT ở lứa tuổi cắp sách tới trường đang trở thành vấn đề nan giải, đặt ra bài toán cho các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình trong nỗ lực giảm thiểu nguy cơ tai nạn ở nhóm đối tượng này.Trách nhiệm đầu tiên phải kể tới là từ phía gia đình. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh dường như rất thờ ơ với nguy hiểm có thể xảy đến với con cái khi vô tư "chiều theo" ý thích của con, cho con sử dụng xe máy đi học, lại càng chủ quan khi ngỡ con đã có đủ các kỹ năng điều khiển xe an toàn.

Chị Hà Thị Thanh, (Nam Từ Liêm) hiện tại đang có con trai học lớp 12 cho biết do không có thời gian đưa đón con đến trường và cũng chiều theo ý thích của con nên ngay từ khi con chi học lớp 10 chị đã cho con sử dụng xe máy để đi học. “Bố cháu dạy cháu đi xe từ hè năm lớp 9, cháu nó đi vững như người lớn, nhiều lần chở tôi đi chợ, đi làm, tôi thấy không có vấn đề gì nên mới yên tâm cho cháu cầm dùng xe”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở lứa tuổi còn cắp sách tới trường, tay lái của các em thường yếu, kỹ năng xử lý các tình huống cũng như hiểu biết còn hạn chế, lại thích đùa giỡn, trêu trọc bạn bè. Không lường trước được những nguy hiểm có thể xảy đến trên đường. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho con em, các bậc cha mẹ cần nhận thức sâu sắc, đánh giá đúng và làm gương cho con trẻ. Không nên vì "thương" mà thiếu cẩn trọng trong việc trang bị phương tiện tới trường cho con.

Nhằm giảm thiểu tai nạn cho lứa tuổi học đường, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng như các ngành đã phối hợp với ngành Giáo dục trong việc tuyên truyền, phòng chống tai nạn giao thông cho học sinh, cấm học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Do đó việc cấm thì vẫn cấm, nhưng một số học sinh vẫn sử dụng xe máy làm phương tiện đi học. Đặc biệt, có sự “ủng hộ ngầm” của chính phụ huynh.

Trước tình trạng học sinh sử dụng xe phân khối lớn, vượt qua dung tích quy định diễn ra phổ biến như hiện nay, thiết nghĩ, gia đình, nhà trường và xã hội phải đề cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau vào cuộc, nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ đối với vấn đề giao thông để hạn chế thấp nhất những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, để đảm bảo có thể quản lý một cách chặt chẽ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay, xử lý nghiêm trường hợp học sinh vi phạm.

Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về độ tuổi, sức khỏe lái xe tham gia giao thông quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xilanh dưới 50 cc; người đủ 18 tuổi trở lên được lái mô tô hai bánh, mô tô ba bánh có dung tích xilanh từ 50 cc trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự;…

Bên cạnh đó, Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới cũng quy định: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô; Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển mô tô có dung tích xilanh từ 50 cc trở lên.

Theo Lao động Thủ đô

Tin liên quan