|
Hình ảnh phương tiện đi theo trật tự, hàng lối trên trục đường BRT nhận được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng |
Theo hình ảnh được ghi lại, dù làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT) rất thông thoáng, song hàng trăm ô tô vẫn nối đuôi nhau xếp hàng trật tự, không một xe nào lấn chiếm vào làn ưu tiên để tránh ùn ứ, rút ngắn thời gian. Khác hẳn với sự lộn xộn, tắc nghẽn, chen chúc nhau giữa các phương tiện trên trục đường BRT hàng ngày.
Một bộ phận cư dân mạng cho rằng, đây là hình ảnh lạ, hiếm hoi trên đường BRT và mong muốn thời gian tới, hành động đẹp này của người tham gia giao thông sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn nữa, nhân rộng hơn nữa để văn hóa giao thông tại Thủ đô ngày càng tốt hơn.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng, trật tự giao thông trên trục đường BRT là điều “xa xỉ”, bởi khi chưa có đường BRT, trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu đã ngộp thở phương tiện từ “cao ốc” hai bên đường. Khi buýt BRT xuất hiện, mặt đường bị “chia năm xẻ bảy”, không gian dành cho phương tiện cá nhân ngày càng bị thu hẹp, không lấn chiếm làn BRT đã rất khó thực hiện. Việc đi theo hàng lối, trật tự lại càng khó thực hiện hơn.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, gánh nặng giao thông trên trục đường Giảng Võ - Lê Văn Lương - Tố Hữu hiện đang rất lớn. “Áp lực giao thông trên trục Lê Văn Lương - Tố Hữu không chỉ đến từ việc mặt đường bị cắt 1/3 dành riêng cho BRT mà còn do sự phát triển ồ ạt của hơn 40 chung cư, nhà cao tầng dọc tuyến đường khiến lượng xe cá nhân tăng đột biến.
Theo TS. Đức, giao thông trên trục đường BRT muốn trật tự hơn, trước hết, lực lượng chức năng cần thực hiện nghiêm việc tuần tra, kiểm soát, xử lý phương tiện dừng, đỗ trái quy định dưới lòng đường. Làn xe ô tô, xe máy cần được phân tách rõ ràng, tránh tình trạng người dân lưu thông theo kiểu “điền vào chỗ trống”. Hệ thống camera trên đường cũng cần hoàn thiện hơn để phát huy hiệu quả giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp đi sai làn để tạo sự răn đe.
“Tần suất xe buýt BRT hiện cũng chưa ở mức dày đặc nên việc cấm lưu thông trong làn BRT cũng cần nghiên cứu ở một số khung giờ nhất định, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, tránh ùn tắc giao thông kéo dài”, TS. Đức nói.