“Ngáo ộp” đường phố
Như Giaothonghanoi đã đưa tin, vào khoảng 5h30 ngày 8/5, một chiếc xe ba bánh chở theo bó sắt di chuyển trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội thì bất ngờ xảy ra va chạm với xe buýt số 88, thuộc xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội.
Cú va chạm mạnh khiến những thanh sắt chọc thủng kính chắn và một phần đầu của xe buýt, còn chiếc xe ba bánh chở sắt thì bị hư hại nặng phần đầu. Rất may vụ tai nạn không thiệt hại về người.
Trước đó, ngày ngày 23/4, một xe máy tự chế chở theo nhiều thanh sắt dài di chuyển trên phố Kim Ngưu hướng Mai Động - Trần Khát Chân, khi xe này đi tới khu vực nút giao cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) thì phần đầu phía trước của những thanh sắt xuyên thủng một ô tô 7 chỗ đi hướng ngược lại. Cùng lúc, một xe 5 chỗ đi cùng chiều phía sau xe máy cũng đâm vào các thanh sắt này.
|
Xe ba gác va chạm với xe buýt trên đường Nguyễn Trãi sáng ngày 8/5. |
Có thể thấy rằng, hình ảnh những chiếc xe tự chế, chở theo những thanh sắt dài đến hơn 10m ngang nhiên đi lại trên nhiều tuyến phố như Trường Trinh, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Láng… đã không còn lạ lẫm gì với người dân Hà Nội. Những chiếc xe này, không những gây cản trở giao thông, tạo nên một vẻ mặt đường phố nhếch nhác, xấu xí mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.
Ông Lê Huy Hùng trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cho hay: “Những chiếc xe ba gác tự chế chở sắt, gạch, đá đã trở thành “hung thần” trong mắt người dân. Những chiếc xe này, chở hàng cồng kềnh, không chằng buộc, chạy tốc độ cao luồn lách bấm còi inh ỏi gây mất an toàn cho người tham gia giao thông”.
Mỗi khi gặp những chiếc xe này, ông Hùng thường phải tránh sát vào vỉa hè để nhường đường. Thậm chí, khi chở theo cháu nhỏ phải dừng hẳn lại cho những chiếc xe tự chế này đi qua.
Đại diện Đội CSGT số 7, Công an TP Hà Nội cho biết, xe ba gác, xe tự chế dùng để chở vật liệu xây dựng hết sức nguy hiểm, nhất là dùng để chở sắt xây dựng. Nhiều chiếc xe khi bị bắt giữ, hệ thống phanh, đèn thậm chí là khung, cũng không đầy đủ.
“Một bộ phận người dân ý thức chấp hành Luật Giao thông còn hạn chế, đã phớt lờ các quy định của pháp luật, điều khiển xe tự chế chở hàng cồng kềnh trên đường. Trước thực trạng trên, chúng tôi thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm liên quan đến xe tự chế chở hàng cồng kềnh kiên quyết lập biên bản xử lý, tạm giữ phương tiện. Đồng thời, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về việc sử dụng xe tự chế tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa để kịp thời xử lý” - vị đại diện này cho biết thêm.
Theo vị đại diện này, người dân sử dụng những chiếc xe này lách luật rất tinh vi. Ban ngày thì đi trong những con hẻm nhỏ, ban đêm thì ra đường lớn. Thậm chí luôn có người đi trước dò đường, nhằm tránh lực lượng chức năng.
Xử nghiêm, phạt nặng
Mặc dù quy định đã có song tình trạng xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vẫn đang diễn ra phổ biến trên đường phố Hà Nội.
Theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 năm 2007 của Bộ Công an, Bộ GTVT, các loại xe tự chế bị cấm lưu hành từ 1/1/2008 gồm: Xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ ba bánh, xe bốn bánh, trừ xe ba bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người tàn tật, có đăng ký, biển kiểm soát.
Về chế tài xử phạt, khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS 2015.
|
Trước đó, ngày ngày 23/4, một xe máy tự chế chở theo nhiều thanh sắt dài di chuyển trên phố Kim Ngưu cũng xảy ra va chạm với 2 ô tô cùng một lúc. |
Theo Bà Lê Thị Thúy, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội, cần có những chế tài mạnh xử phạt để mang tính răn đe đối với những “hung thần” trên đường phố này. “Người dân chúng tôi rất bức xúc khi hàng đêm, những chiếc xe này chạy ầm ầm trong ngõ. Hầu hết là xe cũ nát, tạo ra những âm thanh chát chúa, khói bụi mù mịt” - Bà Thúy nói.
Theo chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, không chỉ một bộ phận người dân thực sự có thu nhập thấp, thiếu vốn để chuyển đổi phương tiện mưu sinh thì đối tượng sử dụng xe thô sơ, xe ba gác tự chế có không ít đối tượng cố tình sử dụng xe tự chế, nhất là một số hộ kinh doanh.
“Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do xe ba gác tự chế. Tuy nhiên, với ưu điểm tiết kiệm chi phí trong việc mua sắm, bảo dưỡng phương tiện, giảm giá thành vận chuyển hàng, dễ dàng đi lại trong ngõ nhỏ, xe ba gác tự chế vẫn được ưu tiên lựa chọn” - Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho hay.
Theo Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, mặc dù đã có chế tài xử phạt, nhưng giá trị những chiếc xe này không cao, chủ xe sẵn sàng bỏ lại xe khi bị bắt giữ. Để hạn chế xe ba gác tự chế lưu thông ngoài đường, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm cả chủ xe lẫn người điều khiển.
Cần có những biện pháp mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây tai nạn hoặc tái phạm nhiều lần. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của người dân. Kiên quyết tịch thu, tiêu hủy công khai để tạo hiệu ứng răn đe đối với những người cố tình sử dụng xe ba gác tự chế để tham gia giao thông - Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung |