Nâng cao ý thức chấp hành đèn tín hiệu giao thông

 
Chia sẻ

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông ra đời với vai trò điều tiết giao thông ở những nơi có mật độ phương tiện lưu thông lớn. Tuy nhiên, tình trạng không chấp hành tín hiệu đèn giao thông vẫn còn diễn ra phổ biến trên địa bàn Hà Nội.

Nang cao y thuc chap hanh den tin hieu giao thong - Hinh anh 1
Hành vi vượt đèn đỏ vẫn thường xuyên diễn ra trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: K.Tiến)

“Đèn đỏ dừng lại - Đèn xanh thì đi” vốn là bài học giao thông được học từ thủa vỡ lòng, bài học tưởng chừng như đơn giản dễ thực hiện nhưng lại có rất nhiều người tham gia giao thông không tuân thủ.

Theo quan sát của phóng viên, trên hầu hết các tuyến phố ở Hà Nội, hành vi vượt đèn đỏ vẫn thường xuyên diễn ra.

Vượt đèn đỏ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức kém của người tham gia giao thông. Người ta vượt đèn đỏ với lý do muộn làm, muộn học nên “tiếc” vài giây đứng đợi.

Chị Phạm Thị Hồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều khi gặp đèn đỏ, tôi cho xe dừng lại nhưng các phương tiện phía sau cứ bấm còi inh ỏi để cố vượt. Thậm chí, nếu không vượt qua được, họ còn dùng những lời lẽ khiếm nhã.

Nhiều lúc tôi cũng sợ các phương tiện đang chạy phía sau đâm vào nên khi dừng đèn đỏ tôi cũng phải đỗ xe gọn và ngoái cổ nhìn phía sau để tránh va chạm”.

Dù biết vượt đèn đỏ là sai, nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn vô tư vượt vì tiếc vài giây, vì thấy người khác vượt, và hơn hết là vì vắng bóng lực lượng Cảnh sát giao thông.

Được biết, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã được cụ thể tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt vượt đèn đỏ cho xe máy là phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng; mức phạt vượt đèn đỏ cho xe ô tô là từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000.

Bên cạnh việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 3 tháng.

Trên thực tế, hành vi vượt đèn đỏ không chỉ là hành động không chấp hành các quy định về an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với người lái xe, là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.

Luật pháp cũng đã quy định cụ thể, trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ gây tai nạn chết người thì ngoài việc bị xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của Bộ luật hình sự còn phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Luật dân sự. Trong nhiều trường hợp gây tai nạn chết người, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tù.

Thiết nghĩ, để nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành đèn tín hiệu khi tham gia giao thông, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật thì cũng cần phải có thiết chế giao thông phải đủ mạnh, đủ tính chất răn đe để mỗi cá nhân tự ý thức không tái phạm nữa.

Theo Lao động Thủ đô

Tin liên quan