Người dân đua nhau đi mua xăng dự trữ: Coi chừng hiểm họa!

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngày 12/3, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cho biết, trước thông tin giá xăng tăng mạnh vào chiều 11/3, hàng dài tài xế xếp hàng trước các cây xăng ở Hà Nội yêu cầu nhân viên "đổ đầy bình" cho phương tiện của mình. Chưa đủ, một số người còn yêu cầu người bán hàng đổ thêm vào những chiếc can, chai nhựa đủ loại kích thước.

Nguoi dan dua nhau di mua xang du tru: Coi chung hiem hoa! - Hinh anh 1
 Nhiều người dân đua nhau đi mua xăng dự trữ.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, việc tích trữ xăng dầu không đúng quy định không những tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn phòng cháy chữa cháy mà còn là hành vi phạm pháp luật…

1. Khuyến cáo về an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh, sử dụng xăng dầu và hộ gia đình khi lưu trữ xăng dầu tại nhà.

1.1. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

 - Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, phải tuân thủ tuyệt đối các quy định an toàn về PCCC; duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC theo quy định và quy trình an toàn trong quá trình xuất, nhập xăng dầu.

- Yêu cầu ký cam kết hạn chế bán lẻ xăng, dầu cho người dân vào các dụng cụ, thiết bị chứa như: Chai, lọ, can, thùng, phuy, … (trừ trường hợp chất đốt như dầu hỏa phục vụ nhu cầu đun nấu, thắp sáng thì chỉ bán với số lượng ít phù hợp với nhu cầu dung trong ngày của người dân).

- Niêm yết khuyến cáo, cảnh báo về sự nguy hiểm và các nguy cơ mất an toàn PCCC đối với chất cháy là xăng, dầu tại cửa hàng để khuyến cáo đến người dân đến mua, bán xăng dầu.

1.2. Đối với cơ sở, doanh nghiệp có dự trữ xăng, dầu phục vụ sản xuất, dịch vụ vận chuyển…:

- Phải có:

+ Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, thoát nạn, phương tiện PCCC

+ Quy định, nội quy, biển cấm, biển báo về PCCC; sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn;

+ Lực lượng PCCC cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC trong cơ sở;

+ Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC; có quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC;

+ Phương án chữa cháy, thoát nạn; hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC; văn bản thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định để phù hợp với đặc điểm điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tính chất hoạt động của cơ sở.

+ Hệ thống PCCC, phương tiện PCCC tại chỗ, phương tiện cứu người đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về PCCC hiện hành.

- Không:

+ Tích trữ xăng, dầu ngoài các thiết bị, kho chứa đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC

+ Tự ý san, chiết xăng, dầu sang các thiết bị, dụng cụ chứa không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định.

+ Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại những vùng, khu vực nguy hiểm cháy, nổ và những nơi có quy định cấm.

1.3. Đối với hộ gia đình

 - Không được tích trữ xăng, dầu trái phép dưới mọi hình thức;

- Trường hợp sử dụng xăng, dầu phục vụ nhu cầu sinh hoạt (đun nấu, thắp sáng, đi lại) thì chỉ lưu giữ đủ nhu cầu trong ngày; các vật dụng, thiết bị, phương tiện chứa xăng, dầu phải bố trí tại nơi thoáng mát và phải cách xa các đồ dùng, vật dụng dễ cháy các khu vực khác thường xuyên phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt. Khu vực đun nấu phải được ngăn cách với các không gian còn lại bằng các vật liệu không cháy.

- Việc sử dụng dầu hỏa để đun nấu phải đảm bảo bếp có đủ bấc dầu và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa và các nguồn nhiệt xung quanh, tuyệt đối không tận dụng các hóa chất khác như xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Trong quá trình sử dụng phải có người trông coi, giám sát.

- Trang bị các phương tiện chữa cháy xách tay cũng như các kiến thức PCCC cho bản thân và mọi người trong gia đình để kịp thời ứng phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

2. Cảnh báo về nguy cơ cháy, nổ và chế tài xử lý vi phạm về PCCC khi vận chuyển, tích trữ bảo quản xăng, dầu trái phép:

2.1. Nguy cơ cháy, nổ khi vận chuyển xăng, dầu trái phép (dùng các phương tiện vận chuyển chai, lọ, can, thùng, phi,… đựng xăng, dầu)

 - Các phương tiện vận chuyển chưa được cấp phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ theo quy định (chưa được kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC)

- Thiết bị chứa xăng, dầu không đúng chủng loại, không phù hợp với chất hàng nguy hiểm cháy, nổ, không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định.

- Rơi, vỡ thiết bị chứa xăng, dầu trên đường vận chuyển.

- Va chạm giao thông dẫn đến cháy, nổ; xăng dầu chảy tràn dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

2.2. Nguy cơ cháy, nổ khi tích trữ, bảo quản xăng dầu bằng chai, lọ, can, thùng, phi, … tại cơ sở, hộ gia đình:

 - Xăng, dầu là chất lỏng, dễ cháy, nổ, bay hơi và khuếch tán nhanh ở điều kiện nhiệt độ thường, tốc độ cháy lan theo bề mặt rất lớn có thể đạt trên 40m/phút, tỏa nhiều khói, khí độc lên khi xảy ra sự cố gây cháy lan, cháy lớn rất nhanh và khó khăn cho công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

- Xăng dầu không tan trong nước, nhẹ hơn nước lên rất khó chữa cháy (đòi hỏi phải có chất chữa cháy chuyên dụng như bột, bọt, …).

- Xăng dầu chứa trong các dụng cụ, thiết bị chứa không phù hợp, đảm bảo theo quy định rất dễ hư hỏng do va đập, thủng dẫn đến rò rỉ xăng dầu ra ngoài tạo thành môi trưởng nguy hiểm cháy, nổ.

- Không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn cháy lan giữa khu vực bảo quản xăng, dầu với khu vực khác.

- Trong gia đình thường xuyên sử dụng nhiều lửa, nguồn nhiệt trực tiếp, người dân chưa ý thức được các nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ.

2.3. Chế tài xử lý khi vận chuyển, tích trữ, bảo quản trái phép xăng, dầu:

 Tại mục 3 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về các vi phạm trong lĩnh vực PCCC, cụ thể:

Điều 30: Vi phạm quy định về PCCC trong quản lý, bảo quản và sử dụng chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ.

Điều 31: Vi phạm quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ.

Điều 32: Vi phạm quy định trong vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ.

Trong đó một số hành vi vi phạm với mức phạt cụ thể như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không có sổ sách, hồ sơ theo dõi, quản lý chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ (Khoản 1, Điều 30).

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bảo quản, bố trí, sắp xếp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ vượt quá số lượng hoặc sắp xếp không đúng khoảng cách, không theo từng nhóm chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định (Khoản 2, Điều 30).

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị, phương tiện chứa, đựng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không có giấy chứng nhận kiểm định hoặc không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định (Khoản 3, Điều 30).

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tang trữ trái phép chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ (Khoản 4, Điều 30).

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ (Khoản 5, Điều 30).

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến15.000.000 đồng đối với hành vi (Khoản 2, Điều 31):

+ Không lắp đặt các thiết bị phát hiện và xử lý rò rỉ của các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ra môi trường xung quanh;

+ Không có phương án hoặc thiết bị xử lý sự cố bục, vỡ bể chứa, thiết bị, đường ống chứa, đựng, dẫn dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ và các chất lỏng dễ cháy khác;

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi (Khoản 3, Điều 31):

 + Sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép;

+ San, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng nguy hiểm cháy nổ.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sắp xếp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện vận chuyển không đúng theo quy định (Khoản 2, Điều 32).

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ (Điểm a, Khoản 5, Điều 32).

3. Cảnh báo chế tài xử lý việc tích trữ, đầu cơ xăng dầu nhằm trục lợi

 - Theo quy định tại Điều 47, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Đối với hành vi găm xăng dầu sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Đặc biệt, theo quy định tại Điều 196 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có trị giá từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng, nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

- Cũng theo Bộ luật hình sự năm 2015, phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm nếu phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức đối với hàng hóa trị giá từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phạt tiền từ 1,5 tỷ đến 05 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 - 15 năm nếu mua găm hàng hóa trị giá 03 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.


Tin liên quan