Công trường thành bãi rác
Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, nhiều tuyến đường như, Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, đường nhánh nối Phạm Hùng với huyện Hoài Đức chậm tiến độ, biến thành những bãi rác lớn do người dân tập kết nhiều ngày qua. Không chỉ những tuyến đường chậm tiến độ, trở thành nơi tập kết rác thải gây mất ATGT, vệ sinh môi trường mà việc thi công ẩu của nhiều đơn vị thi công cũng biến nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng khói bụi mịt mù, nguy hiểm rình rập khiến người dân vô cùng bức xúc như tuyến đường Xuân Diệu nằm trên địa bàn quận Tây Hồ.
Tuyến đường nhánh nối Phạm Hùng với huyện Hoài Đức có tổng chiều dài 6km. Trong đó, đoạn giữa dài hơn 3,5 km từ đường Lê Đức Thọ tới Quốc lộ 70 đã được thông xe từ năm 2017. Tuy nhiên, đoạn nối giữa đường Phạm Hùng và Lê Đức Thọ có chiều dài hơn hơn 1,12 km được phê duyệt từ năm 2017 vẫn chưa hẹn ngày về đích.
|
Những bãi rác ngổn ngang nằm trên tuyến đường nhánh nối đoạn Phạm Hùng - Lê Đức Thọ. |
Do dự án chậm tiến độ thời gian dài, nơi đây trở thành điểm đổ trộm rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Ông Phạm Anh Tuấn, trú tại Phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, tuyến đường trở thành nơi đổ trộm rác thải. Nhiều khu vực, cứ mưa là ngập, ruồi muỗi,... sinh sôi. Nắng thì rác bốc mùi,... người dân sống quanh khu vực rất bức xúc”.
Ông Tuấn chia sẻ, có những hôm trời nắng, người dân đốt rác trên tuyến đường, mùi khét lẹt, khói trắng mù mịt không ít gia đình có người già và trẻ nhỏ phải sơ tán.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Trinh – Phó giám đốc Ban QLDA quận Nam Từ Liêm cho biết: “Lý do đường nối giữa đường Phạm Hùng - Lê Đức Thọ chậm tiến độ là còn vướng mắc 127 hộ dân chưa nhận đền bù giải phóng mặt bằng. Các đơn vị có liên quan đã họp với các hộ dân và đang lên phương án giải tỏa”.
|
Công trình đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài biến thành núi rác. |
Ban thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đơn vị thi công cũng như tổ dân phố dọn dẹp, di chuyển rác thải đến nơi tập kết theo quy định nhưng chỉ ít hôm tình trạng này lại tái diễn.
Tương tự, tại dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài do UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2019. Đến nay, một phần tuyến đường biến thành "núi rác" cao. Rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng ngổn ngang bốc mùi hôi thối khiến người dân sống quanh khu vực này bức xúc.
Rác thải chất thành núi kéo dài từ đầu đường Cầu Giấy đến Bệnh viện Giao thông vận tải, nhiều phương tiện còn ngang nhiên đổ thải giữa ban ngày. Những ngày trời nắng, mùi hôi thối càng bốc nồng nặc hơn, những ngày trời mưa, nước ngập lênh láng. Mặc dù dư luận Nhân dân vô cùng bức xúc, nhưng khi PV liên hệ để làm rõ sự việc thì UBND quận Đống Đa vẫn im lặng, không có phản hồi.
|
Rác thải được đem đến công trình đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài tập kết ngay giữa ban ngày. |
Tại đường Xuân Diệu, đơn vị thi công ngó lơ các quy định về đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường, vật liệu xây dựng được tập kết tràn lan ra lòng đường vỉa hè, cọc tre, những tấm bê tông lớn nằm giữa đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Những ngày mưa, tuyến đường trở nên lầy lội bùn đất, ngày nắng khói bụi mù mịt, cuộc sống, hoạt động kinh doanh của người dân sống hai bên đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đại diện Ban QLDA quận Tây Hồ cho biết: “Do tuyến đường chật hẹp, việc tập kết vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn nên diễn ra tình trạng đất đá tràn xuống lòng đường. Việc xây dựng những tuyến đường khu vực đông dân cư, chật hẹp, khói bụi đất đá ngổn ngang là khó có thể tránh khỏi”.
|
Việc thi công ẩu trên đường Xuân Diệu cũng trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. |
Vị đại diện này thông tin, Ban cũng đã nhiều lần kiểm tra, có biên bản nhắc nhở đơn vị thi công về việc đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường về công trình này. Ngay sau khi phản án của Giaothonghanoi, đơn vị thi công cũng đã tiến hành khắc phục, dọn dẹp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân di chuyển qua công trường.
Quyết liệt xử lý triệt để
Nạn đổ trộm phế thải ra khắp các công trình giao thông đang diễn ra hàng ngày. Người chở phế thải ngang nhiên chở từng xe rác đến đổ xuống công trình như mặc định chỗ này là bãi rác mà chẳng thấy ai xử lý hay nhắc nhở. Mặt bằng những công trình có giá trị hàng trăm tỷ đồng lổn nhổn phế thải, chỗ này đống đất, chỗ kia bao bì khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc.
Theo ông Nguyễn Duy Trinh – Phó giám đốc Ban QLDA quận Nam Từ Liêm: “Sau khi giải phóng mặt bằng, người dân tiến hành tu sửa, xây dựng nhà cửa trên phần đất còn lại. Tại khu vực đông dân cư, rác thải, phế liệu xây dựng không có nơi tập kết, người dân ngang nhiên mang ra những khu đất trống trên công trường để tập kết”.
|
Những đống rác cao quá đầu người trên công trường cách khu vực sinh sống của người dân không xa. |
Theo ông Nguyễn Duy Trinh, việc dự án thành nơi đổ rác, bãi tập kết xe do ý thức của người dân sống xung quanh công trường. Cơ quan Công an có trách nhiệm về việc kiểm tra, xử lý việc đổ trộm rác thải và đỗ xe trong khu vực dự án. Còn trách nhiệm dọn dẹp những bãi rác nằm trong dự án lại thuộc về đơn vị thi công.
Ông Trinh cho rằng, ý thức của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu vực công trường xây dựng. Đồng thời, cần có những giải pháp cũng như xây dựng phương án tập kết, di chuyển rác thải cho người dân với giá thành hợp lý tại các khu vực vừa mới diễn ra giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo Ban QLDA quận Nam Từ Liêm tiết lộ, chi phí thu dọn rác thải tại các công trình dang dở sẽ do nhà thầu phải chi trả. Vậy nên chăng các nhà thầu nêu cao trách nhiệm, tự bảo vệ công trường cũng là bảo vệ túi tiền của mình?
|
Chi phí thu dọn rác thải tại các công trình dang dở sẽ do nhà thầu chi trả. |
Theo chuyên gia môi trường Thạc sĩ Nguyễn Như Tiến, việc đổ trộm phế thải từ lâu đã trở thành thói quen của người dân ở nhiều khu vực. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT còn tạo nên một vẻ mặt đô thị nhếch nhác.
“Quy định về xử phạt hành vi đổ trộm phế thải đã có nhưng công tác quản lý, phối hợp xử lý chưa chặt chẽ. Khu vực công trường do đơn vị thi công quản lý, nhưng đơn vị này không có chức năng quyền hạn xử lý việc đổ trộm phế thải, bởi vậy cần giao trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị. Đồng thời, đơn vị thi công cũng như lực lượng chức năng, tổ dân phố cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi đổ trộm rác thải”.
Nếu đơn vị thi công, cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý, bảo vệ thì chẳng mấy chốc những công trình giao thông chậm tiến độ trở thành bãi chứa phế thải khổng lồ - Chuyên gia môi trường Thạc sĩ Nguyễn Như Tiến chia sẻ. |