Nhiều tuyến phố thường xuyên xảy ra tai nạn
Theo đó, qua đánh giá khảo sát một số tuyến đường trên địa bàn quận Ba Đình thường xuyên xảy ra tai nạn cụ thể như: Tuyến đường Vành đai II (đoạn trên cao) phương tiện lưu thông trên đường 2 chiều riêng biệt, ngăn cách bởi dải phân cách cứng có chiều rộng mỗi làn đường 8 mét. Trên đường có đoạn cong (từ cầu vượt phố Đào Tấn đến cầu vượt phố Đội Cấn) các phương tiện thường di chuyển với tốc độ cao, đặc biệt về ban đêm, đường không được phân biệt làn rõ ràng, không có gờ giảm tốc để hạn chế tốc độ, không có biển báo.
|
Đường Vành đai II (đoạn trên cao), từ cầu vượt phố Đào Tấn đến cầu vượt phố Đội Cấn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông |
Tại tuyến đường này, trong 2 năm (2019, 2020) đã xảy ra 5 vụ tai nạn làm 6 người chết, 1 người bị thương. Nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện đi với tốc độ cao không làm chủ được tốc độ, không chú ý quan sát.
Tuyến đường Yên Phụ với 2 chiều riêng biệt, mỗi làn đường rộng 11,5 mét, ở giữa có đường dành riêng cho xe buýt. Đoạn đường gần cầu Long Biên (đối diện chợ Long Biên) có trạm trung chuyển xe buýt Long Biên - Yên Phụ với lượng khách lớn, do không có cầu vượt cho người đi bộ nên người dân phải qua đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Tại các điểm giao cắt với phố Hàng Than, phố Hàng Đậu, Trần Khánh Dư về đêm hệ thống đèn giao thông không hoạt động, các phương tiện thường di chuyển với tốc độ cao vì vậy thường xuyên xảy ra tai nạn cho người qua đường.
Tuyến phố Kim Mã có 2 làn riêng biệt, có dải phân cách giữa, trên tuyến phố có cầu vượt cho người đi bộ, trên tuyến có nhiều điểm giao cắt, hiện nay một số đoạn đang được rào chắn để thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Là tuyến đường giao thông chính, các phương tiện đi tại đây rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.
Ngoài ra, các tuyến đường Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu, Độc Lập có nhiều góc cua gấp, đặc biệt điểm giao cắt Hoàng Văn Thụ và Hoàng Diệu bị hạn chế tầm nhìn do có đài phun nước và cây xanh, các phương tiện thường di chuyển với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Cần nghiên cứu tổ chức giao thông
Đối với những tuyến đường này, UBND quận Ba Đình đã đề nghị với Sở GTVT để xem xét, nghiên cứu tổ chức giao thông để hạn chế tai nạn, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Đường Vành đai II đoạn trên cao, cần lắp đặt biển hạn chế tốc độ; biển báo nguy hiểm góc ngoặt, biển phân làn theo cả hai chiều từ Cầu Giấy đi Hoàng Quốc Việt và ngược lại.
Tuyến đường Yên Phụ, UBND quận đề nghị xây dựng cầu vượt cho người đi bộ tại vị trí gần Trạm trung chuyển xe buýt Yên Phụ - Long Biên; lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ và gờ giảm tốc khu vực cửa khẩu Long Biên; bổ sung đèn tín hiệu dành cho người đi bộ tại nơi có vạch dành đường cho người đi bộ.
Với các tuyến đường Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu, Độc Lập để tránh tai nạn giao thông, cần có đèn tín hiệu giao thông tại ngã ba đường Hoàng Văn Thụ - Hoàng Diệu; lắp đặt biển báo nguy hiểm góc ngoặt tại góc đường Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ và đường Độc Lập trước Trụ sở Bộ Ngoại Giao.
Cuối cùng, tại một số điểm giao cắt tại Nguyên Hồng - La Thành; Kim Mã - Núi Trúc; Kim Mã - Ngọc Khánh; Kim Mã - Giang Văn Minh UBND quận đề nghị Sở GTVT nghiên cứu, lắp đặt gờ giảm tốc để hạn chế tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông tại các nút trên.