Thả diều - ẩn họa đe dọa an toàn bay

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian qua, dù chưa phải cao điểm nghỉ Hè nhưng đã xảy ra không ít vụ hàng không bị đe dọa bởi những chiếc diều do người dân thả. Cục Hàng không Việt Nam vừa có yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không phối hợp với các cảng vụ hàng không và chính quyền cũng như cơ quan chức năng các địa phương có những biện pháp kiểm tra, giám sát và ngăn chặn kịp thời những hành vi đe dọa an toàn bay.

Chế tài quá nhẹ
 Chiều 9/5, trực ban trưởng sân bay Nội Bài nhận thông tin thông báo phát hiện một chiếc diều tại khu vực phía bắc đường cất hạ cánh 11L/29R, gần đường lăn quân sự N4. Trực ban trưởng sân bay lập tức thông báo tới các đơn vị liên quan phối hợp triển khai để thu hồi chiếc diều nói trên. Cả hai vụ việc trên tuy chưa gây hậu quả nhưng được đánh giá là uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng.
Trước đó một ngày, vào trưa 8/5, cơ trưởng chuyến bay BL6431 đã báo cáo Đài chỉ huy khi phát hiện một chiếc diều ngay bên trái máy bay, khi chuẩn bị hạ cánh trên đường băng 25R, sân bay Tân Sơn Nhất. Mới đây nhất, vào sáng sớm 20/5, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài phát hiện một chiếc diều phía bên ngoài hàng rào đầu phía Đông thuộc khu vực xã Mai Đình. Qua xử lý, Trung tâm an ninh hàng không thu giữ một chiếc diều được buộc vào gốc cây (không phát hiện người thả) và lập biên bản ghi nhận vụ việc.
 Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, liên quan đến việc thả diều có không ít văn bản luật quy định cấm hành vi này. Cụ thể như Nghị định 14/2014/NĐ-CP, với mức xử phạt cho hành vi thả diều vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện từ 1 – 5 triệu đồng. Ngoài ra, tại điểm g, khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay. Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tuy nhiên, “Quy định cấm thì đã có từ lâu nhưng có thể thấy chế tài xử phạt cho hành vi này còn quá thấp. Đây là lý do vi phạm vẫn liên tục xảy ra” – luật sư Bùi Đình Ứng nhận định.
 Hậu quả khôn lường
 Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, Nghị định 167/2013 và Nghị định 14/2014 ra đời cách đây chưa đầy chục năm nhưng riêng quy định chế tài với hành vi thả diều đã không còn phù hợp. “Rõ ràng mức phạt như thế là quá nhẹ so với hậu quả khôn lường mà hành vi này có thể gây ra. Khi cánh diều vướng vào đường điện cao thế gây ra sự cố mất điện hoặc rơi vào đúng đường bay của máy bay thì hậu quả sẽ không thể nào kể xiết. Có thể nhiều người chơi thả diều không ý thức được điều này nhưng rõ ràng đây là thú vui nhỏ mà tiềm ẩn hiểm họa vô cùng lớn” – ông Bùi Danh Liên phân tích và đưa ra đề nghị tăng chế tài xử phạt với hành vi thả diều gần đường điện cao thế và gần sân bay lên mức cao nhất có thể để ngăn chặn hành vi từ đầu, tránh hậu họa lớn có thể gây ra.
 Hiện nay, những cánh diều đã có sự thay đổi về hình thức, kết cấu và cả trọng lượng so với trước kia. Những con diều to hơn, nặng hơn và thậm chí gắn theo nhiều thiết bị điện tử như đèn led, dây buộc bằng thép, dây diều có pha sợi kim tuyến dẫn điện… Chính vì thế, thiệt hại mà những cánh diều này gây ra cũng lớn hơn rất nhiều.
 Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, hành vi chiếu tia laser, sử dụng trái phép flycam, drone, thả diều xung quanh khu vực các sân bay đã và đang là mối đe doạn rất lớn đến an toàn bay, đặc biệt trong bối cảnh mùa Hè - thời điểm thú vui thả diều của người dân ở nhiều địa phương tăng cao.

Thực tế cho thấy không ít trường hợp cơ quan chức năng tịch thu được tang vật là cánh diều nhưng lại không tìm thấy được người vi phạm do họ đã bỏ trốn. Đây cũng là một vấn đề gây khó cho các cơ quan chức năng. Do đó, rất cần có sự phối hợp của chính quyền và lực lượng chức năng địa phương bởi họ chính là những người gần dân nhất, dễ dàng nắm bắt tình hình cũng như những hành vi vi phạm sớm nhất, rõ nhất.

Luật sư Bùi Đình Ứng

Quý Nguyễn

Tin liên quan