Tuy nhiên, làm thế nào để mỗi người dân góp một viên gạch ý thức, chung tay xây dựng bức tường thành văn hóa giao thông, ngăn chặn việc ùn tắc và tai nạn giao thông lại là điều cần bàn.
Vẫn còn hạn chế
Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, Hà Nội cũng phải chịu rất nhiều áp lực, trong đó có vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông. Trong bối cảnh hạ tầng còn chậm phát triển, ý thức, văn hóa giao thông được xem như một trong những nguồn nội lực mạnh mẽ nhất để đương đầu với áp lực đó. Thế nhưng, thực tế cho thấy, công tác xây dựng văn hóa giao thông, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân lại chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Tuyên truyền về ATGT đến học sinh tại Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
|
Chuyên gia giao thông, TS Đặng Minh Tân nhận định: “Muốn mỗi người dân có ý thức, văn hóa giao thông, cần kết hợp cả tuyên truyền, giáo dục lẫn xử phạt nghiêm minh. Nhưng tại Hà Nội, cả hai khâu quan trọng này đều còn có những tồn tại, hạn chế nhất định”. TS Đặng Minh Tân phân tích, muốn người dân không phạm luật, trước hết phải làm cho họ hiểu luật. Hiểu luật rồi mà vẫn vi phạm phải phạt thật nghiêm để không tái phạm.
Hiện nay, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đã được chú trọng, quan tâm rất nhiều nhưng lại chưa thu hút được đông đảo người dân. Nguyên nhân lớn nhất chính là các hình thức tuyên truyền chưa hấp dẫn, lôi cuốn, chưa đa dạng để phù hợp với mọi tầng lớp Nhân dân.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, Hà Nội đã đưa chương trình giáo dục pháp luật về giao thông vào các nhà trường, qua đó trang bị kiến thức, ý thức giao thông cho học sinh. Nhưng còn đối với các bậc phụ huynh, công tác tuyên truyền lại chưa hiệu quả. “Văn hóa giao thông đã được hầu hết đơn vị, địa phương coi là trọng tâm, trọng điểm tuyên truyền. Nhưng phương pháp tuyên truyền vẫn còn nặng về tính hình thức, chưa thực chất, gần gũi, để lại ấn tượng sâu sắc cho cán bộ, Nhân dân; tiến hành cũng chưa được thường xuyên, liên tục” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận xét.
Bên cạnh đó, chỉ tuyên truyền không thôi mà thiếu các chế tài nghiêm khắc cũng sẽ không khơi dậy được ý thức tự giác của người dân. Còn có các hiện tượng “xin - cho”, nể nang, làm ngơ cho nhau, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì văn hóa giao thông lại càng khó lòng phát triển. Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2 Trần Văn Bính chia sẻ: “Cán bộ phải đi đầu nêu gương, trong lĩnh vực giao thông phải chấp hành tốt nhất, khi vi phạm phải bị xử lý nghiêm khắc nhất thì dân mới phục, mới theo”.
Ông Trần Văn Bính cũng bày tỏ, thành phố đã nhiều lần đề ra quy định, khi cán bộ, công chức vi phạm giao thông sẽ thông báo đến cơ quan, nơi ở để cùng kết hợp tuyên truyền, giáo dục, nhưng tới nay, chưa thấy thông tin về bất cứ trường hợp nào như vậy. Điều đó cho thấy, quy định chưa được thực hiện nghiêm túc, cán bộ, công chức còn chưa phải chịu trách nhiệm thực sự trước Nhân dân, nêu gương trong xây dựng văn hóa giao thông.
Tuyên truyền đa dạng
Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm, tuyên truyền là một công cụ vô cùng quan trọng và hữu ích. Vấn đề là sử dụng như thế nào, làm có thực chất hay không. Người dân Hà Nội nghe nhiều đến văn hóa giao thông nhất là qua báo đài, sách vở, và thực tế hiệu quả đem lại từ các kênh thông tin này là chưa đủ. Cần phải biến mỗi người dân thành một tuyên truyền viên, phổ biến pháp luật và văn hóa giao thông, bắt đầu với chính người thân của mình rồi sau đó mở rộng ra cộng đồng xung quanh. “Mỗi người dân phải như một viên gạch ý thức, triệu viên gạch mới xây được bức tường thành văn hóa giao thông” - thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Muốn làm được như vậy, Hà Nội phải có một kịch bản truyền thông chi tiết, đa dạng, phù hợp với đặc thù của từng khu vực, từng nhóm cư dân. Không thể áp dụng các biện pháp tuyên truyền với cư dân thành thị ở khu vực nông thôn; cũng không thể phổ biến kiến thức về an toàn giao thông cho cán bộ công chức bằng những hình thức như với học sinh, sinh viên hay người buôn bán, lao động tự do. Đặc biệt, phải làm thực chất công tác giáo dục ý thức tham gia giao thông cho lái xe, người lao động trong các DN vận tải trên địa bàn thanh phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu: “Công tác tuyên truyền phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; chú trọng làm điểm và nhân rộng gương điển hình, nhằm xây dựng nếp sống văn hóa của tất cả mọi người khi tham gia giao thông, hướng tới một môi trường giao thông “Trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện” trong toàn TP Hà Nội.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để công tác tuyên truyền có hiệu quả phải kết hợp với xử phạt thật nghiêm, không thỏa hiệp, xóa bỏ tình trạng “xin - cho” trong lĩnh vực giao thông. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông thuận lợi, an toàn hơn nữa.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Có một hệ thống hạ tầng thuận tiện, hiện đại, người dân sẽ dần từ bỏ được những thói quen xấu trong giao thông. Trước mắt, những hành vi xâm phạm hành lang ATGT, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để đỗ xe, bán hàng cần phải được xử lý dứt điểm thì người dân mới có không gian lưu thông và mới tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật”.
"Các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục về Luật ATGT tại các cơ quan, tổ chức, DN và trường học bằng nhiều hình thức. Tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi pháp luật về trật tự, ATGT. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT." -Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn
"Muốn người dân chấp hành tốt luật giao thông cần phải chứng tỏ sự nghiêm khắc, khách quan và minh bạch của những người thực thi luật. Phải xử phạt, xóa bỏ dứt điểm hiện tượng vi phạm của xe biển xanh, biển đỏ; hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, gây cản trở giao thông. Yêu cầu DN vận tải phải đi đầu trong việc ủng hộ, tuyên truyền về ATGT, người lao động vi phạm phải có hình thức xử phạt nặng với DN." -Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan
"Cần có thêm các hình thức tuyên truyền về giao thông phù hợp với văn hóa và thị hiếu của người dân, như thơ ca, sách truyện, buổi sinh hoạt văn nghệ lồng ghép kiến thức pháp luật giao thông. Đặc biệt, phải có nhiều hình thức biểu dương hơn nữa các gương tốt trong giao thông từ cấp thành phố đến các khu dân cư. " -Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2 Trần Văn Bính
|