 |
Xe ô tô tông đổ chắn tàu tại xã Lê Thiện, huyện An Dương, Hải Phòng. Ảnh: VRN cung cấp |
Cố tình vượt cần chắn, rào chắn và…
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, thời gian qua tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường sắt có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vi phạm qua các đường ngang cảnh báo tự động, có cần chắn tự động, gây thiệt hại lớn về tài sản và uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường sắt.
Điển hình như vụ việc diễn ra sáng 9/4, tại đường ngang km 1684+780 xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), khi cần chắn đang hạ xuống để đoàn tàu SE3 chuẩn bị lưu thông qua thì ô tô mang biển kiểm soát 50H-540.89 cũng cố tình vượt qua nên làm hỏng cần chắn. Đơn vị đã báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng địa phương để phối hợp xử lý.
Trước đó, tối 8/4, trong vòng 60 phút đã có 2 vụ cố tình vượt đường ngang trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Cụ thể, vào lúc 19h17 ngày 8/4, tại đường ngang Km 84+458 có cần chắn tự động đoạn đường sắt Dụ Nghĩa - Phú Thái thuộc địa phận xã Lê Thiện, huyện An Dương, Hải Phòng, khi chuẩn bị có đoàn tàu chạy qua, tín hiệu cảnh báo được kích hoạt, chuông kêu, đèn đỏ nháy và cần chắn chuẩn bị hạ xuống. Tuy nhiên, xe ô tô mang biển kiểm soát 34H-105.82 cố tình vượt qua, đâm vào cần chắn và mắc kẹt trên đường sắt, suýt xảy ra tai nạn. Vụ việc đã khiến 1 bên cần chắn bị cong vênh.
Tiếp đó, vào 20h11 cùng ngày, tại đường ngang Km44+210 có cần chắn tự động, đoạn Cẩm Giàng - Cao Xá, thuộc địa phận thị trấn Cẩm Giang (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), khi chuẩn bị có tàu chạy qua, tín hiệu cảnh báo tự động được bật (đèn đỏ nháy, chuông kêu) nhưng ô tô mang biển kiểm soát 34F-011.06 cố tình vượt qua tín hiệu, đâm vào chắn làm trụ cần chắn xoay vào trong lòng đường sắt.
Khi nhận được thông tin về sự cố tại 2 khu vực này, ngay lập tức, nhân viên cung cấp thông tin tín hiệu đường sắt đã đến kiểm tra và sửa chữa, đồng thời, cử người cảnh giới, bảo đảm an toàn cho tàu thông qua.
15h22 ngày 3/4, một vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng xảy ra tại đường ngang Km1001+800, tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Mặc dù hệ thống cảnh báo tự động tại đường ngang này đã kích hoạt đầy đủ tín hiệu: đèn đỏ nhấp nháy; chuông báo động và barie chắn bắt đầu hạ xuống để bảo đảm an toàn khi tàu sắp tới nhưng xe tải mang biển kiểm soát 77H-8017 do tài xế H.Đ.H điều khiển, đã cố tình vượt qua đường sắt và va chạm với barie đang hạ. Hậu quả, barie dài 3,3m bị gãy gập.
Ngay sau vụ việc, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh và làm rõ hành vi vi phạm. Tại cơ quan công an, tài xế H.Đ.H đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, với lỗi “Không chấp hành tín hiệu cảnh báo tại đường ngang”, tài xế đã bị xử phạt hành chính 11 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong thời hạn 2 tháng.
 |
Cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt tài xế ô tô có hành vi vượt qua đường sắt trái quy định. Ảnh: CTV |
Nỗ lực ngăn chặn vi phạm đường sắt
Theo thống kê của ngành đường sắt, trong quý I/2025, đã xảy ra 116 vụ tài xế cố tình vượt đường ngang. Trước những nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường sắt tại các đường ngang cảnh báo tự động, có cần chắn tự động, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tăng cường thực hiện công tác giám sát tại các Trung tâm giám sát đường ngang và kịp thời xử lý, khắc phục khi có những sự cố xảy ra. Đồng thời, Tổng công ty đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Cục Đường sắt (Bộ Xây dựng) xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Tuy nhiên, ngành đường sắt Việt Nam nhận định, quá trình phối hợp xử lý trường hợp ô tô vi phạm còn gặp rất nhiều khó khăn như việc các tài xế sau khi gây hư hỏng cần chắn tự động và phụ kiện thường bỏ trốn khỏi hiện trường; xe vi phạm ở tỉnh này nhưng nơi xảy ra vi phạm ở tỉnh khác nên cơ quan công an khó mời chủ xe đến làm việc; nhiều xe tải gây ra sự cố đường sắt thường là xe không chính chủ nên lực lượng chức năng khó xác minh danh tính.
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội viện dẫn, theo quy định tại khoản 1 Điều 24, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định: “Khi có hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, đèn đỏ sáng nhấp nháy, chuông kêu, chắn đường bộ đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại về bên phải đường của mình, trước vạch dừng xe".
Ngoài ra, tại khoản 2 của Điều 24 cũng quy định, người tham gia giao thông phải quan sát 2 phía, bảo đảm an toàn không có phương tiện giao thông đường sắt mới được đi qua. Từ những quy định này, luật sư Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh, ngay cả khi hệ thống tín hiệu cảnh báo gặp vấn đề thì người điều khiển phương tiện giao thông cũng phải bảo đảm an toàn mới được phép đi qua đường ray tàu hỏa.
Thực tế cho thấy, Nghị định 168/2024/NĐ-CP về tăng nặng hình phạt đối với vi phạm giao thông đường bộ đã tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của người dân, từ đó kéo giảm tai nạn và các trường hợp vi phạm giao thông. Do đó, với đường sắt, mức phạt với các hành vi gây nguy hiểm cũng cần được điều chỉnh hợp lý và có tính răn đe cao hơn, kết hợp với các biện pháp giáo dục cộng đồng để nâng cao ý thức tuân thủ và sự hiểu biết về nguy cơ khi tham gia giao thông đường sắt. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo các tài xế cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn giao thông, đặc biệt tại các điểm giao cắt với đường sắt, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Thái An