|
Chợ xe trên đường Lê Văn Lương, thuộc địa bàn phường Trung Hòa |
Đua nhau cát cứ
Tình trạng UTGT diễn ra hàng ngày trên đường Lê Văn Lương, đặc biệt trong giờ cao điểm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đáng nói nhất là tình trạng phá vỡ tổ chức giao thông, xâm chiếm vỉa hè, lòng đường của hàng loạt nhà hàng, xưởng sửa chữa, bày bán ô tô ở cả hai chiều. Hướng đi vào trung tâm TP, từ nút giao với Khuất Duy Tiến đến đầu ngõ 39 Lê Văn Lương, hàng chục ki ốt kinh doanh, sửa chữa ô tô mọc lên, đánh số từ 112 - 118.
Hàng ngày ô tô được đem ra bày bán trên vỉa hè. Thợ sửa xe xịt nước đẩy dầu mỡ, xà phòng lênh láng ra lòng đường, gây mất vệ sinh môi trường, trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Anh Phạm Văn Thái (Hà Đông) chia sẻ: “Khó chịu nhất là vào buổi sáng, đi làm qua đây tôi có thể bị nước rửa xe xịt vào mặt bất cứ lúc nào”.
Cùng hướng đi, từ nút giao Hoàng Minh Giám đến Hoàng Đạo Thúy, hàng loạt quán xá, cửa hàng quần áo ngang nhiên hướng dẫn khách đỗ ô tô dưới lòng đường.Từ số 25 - 21 Lê Văn Lương, vỉa hè lại bị biến thành một dạng kết cấu khác. Các tòa nhà cao tầng tại đây cho xẻ vỉa hè làm chỗ ô tô ra vào và đỗ xe máy, thu hẹp không gian của người đi bộ. Cá biệt như trước cửa tòa nhà Golden Pam số 21 Lê Văn Lương, vỉa hè không còn một chỗ nào cho người đi bộ, chỉ chuyên dành để “phục vụ” đỗ xe máy, ô tô.
Từ số 19 Lê Văn Lương đến đường Nguyễn Ngọc Vũ, các cửa hàng bán ô tô nối nhau san sát, biến nơi đây thành một chợ xe bất khả xâm phạm. Toàn bộ vỉa hè chỉ để bày bán ô tô. Hướng ngược lại, từ Nguyễn Ngọc Vũ đến đầu phố Hoàng Ngân, các gara ô tô cũng đua nhau cát cứ hè, đường, gây cản trở giao thông nghiêm trọng, là nỗi bức xúc kéo dài của người dân nhưng hiếm khi chính quyền địa phương giải quyết.
|
Dãy ki ôt bày bán, sửa chữa ô tô cát cứ vỉa hè từ số 112 - 118 Lê Văn Lương. Ảnh: Ngọc Hải |
Tự ý nâng hạ vỉa hè, xây dựng nhà xưởng?
Đường Lê Văn Lương nằm trên địa bàn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy). Dù được cả hai địa phương quản lý, tuyến đường vẫn tràn lan hiện tượng lấn chiếm hè, đường để kinh doanh; thậm chí vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ cảnh quan đô thị. Đơn cử như từ số 112 - 118 Lê Văn Lương, các cửa hàng bán ô tô đang xây dựng trên đất dự án chậm triển khai. Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Hoàng Tùng thừa nhận, các cửa hàng đó không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế cho Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết, các cửa hàng nói trên xây dựng trên đất dự án đã được chuyển nhượng qua nhiều chủ. Nhưng căn cứ pháp lý cho phép xây dựng, kinh doanh thì quận còn phải rà soát lại. Tương tự, việc thay đổi kết cấu vỉa hè dưới chân các tòa nhà cao tầng từ số 25 - 21 Lê Văn Lương cũng chưa được chính quyền quận Thanh Xuân cung cấp các tài liệu liên quan.
Vào các giờ cao điểm sáng, trước cửa hàng bán ô tô số 19 Lê Văn Lương vẫn luôn có CSGT và Thanh tra GTVT túc trực phân luồng, điều tiết giao thông. Nhưng nghịch lý là cách đó chỉ vài mét ô tô đỗ ken kín vỉa hè.
Cuối năm 2016, khi tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa chuẩn bị đi vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội đã có Quyết định số 2879/QĐ - SGTVT về phương án tổ chức giao thông: “Cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện dọc tuyến đường hoạt động của BRT”. Nhưng lệnh cấm này hoàn toàn vô hiệu, hậu quả là ô tô dừng đỗ tràn lan dọc hai bên đường Lê Văn Lương, gây UTGT nghiêm trọng toàn tuyến.
Thực tế đó cho thấy, trật tự văn minh đô thị trên tuyến đường Lê Văn Lương đã không còn nền nếp. Do vậy, chính quyền và lực lượng chức năng cần sớm triển khai các nhiệm vụ giải quyết các vi phạm nêu trên, nhằm giảm tải tình trạng UTGT trên trục đường trọng yếu cửa ngõ Tây Nam Hà Nội.
Cùng trục đường, ki ốt kinh doanh ô tô số 1 Tố Hữu cũng đang xây dựng trên đất dự án chậm triển khai; tự ý thay đổi kết cấu vỉa hè để tạo độ dốc phù hợp cho ô tô lên xuống. Các trường hợp vi phạm từ số 1 Tố Hữu - 112 Lê Văn Lương đều nằm trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.