|
Nhóm đối tượng hành hung nữ nhân viên xe buýt tuyến 103 ở Hà Nội hôm 20/10 |
Điển hình như vụ việc một nữ nhân viên soát vé bị nhóm thanh niên đánh nhập viện chỉ vì nhắc nhở không được nói to, nói tục trên xe buýt. Hay vụ việc lái xe và phụ xe buýt bị tố cầm tuýp đánh người trên cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) sau khi bị nhắc nhở đi lấn làn xe máy, còi inh ỏi. Nghiêm trọng hơn, vào trung tuần tháng 10/2019, một người đàn ông 41 tuổi ở Tiền Giang bị nhóm đông người đánh hội đồng, dùng kéo đâm tử vong sau va chạm giao thông.
Chia sẻ với VOV Giao thông, một số thính giả cho rằng, những hành vi bạo lực khi có mâu thuẫn, va chạm giao thông cần phải bị lên án. Bởi từ những xô xát nhỏ, nếu thiếu kiềm chế rất dễ tới những hành vi manh động, hậu quả khôn lường.
“Thực ra tất cả các con đường ở Hà Nội đều là làn hỗn hợp nên là tai nạn giao thông xảy ra là do va quệt khi đổi làn bất ngờ. Để dẫn tới việc xô xát thì phải nói đủ mọi mối căn nguyên, kể về vấn đề đạo đức, về cái tôi hay những tác động bên ngoài.”
“Đôi khi là lúc xảy đến thì người ta cũng chưa bình tĩnh, cái tôi của mình hơi cao một chút.”
“Họ không có sự thông cảm, không có sự nhường nhịn nhau, họ nghĩ là mình mạnh hơn nên họ có thể mạnh tiếng lên để đàn áp hơn, người kia yếu, người ta hiểu biết nên muốn nói chuyện bình thường nhưng mình cứ muốn quát to, nói lớn lên. Mình thấy là chưa văn minh.”
Trao đổi với VOV Giao thông, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Như Chính cho rằng, trong những vụ xô xát, án mạng vì mâu thuẫn giao thông, một đặc điểm chung là thủ phạm ứng xử rất tùy tiện, không có phép tắc và giới hạn đạo đức.
Một phần nguyên nhân đến từ giáo dục, môi trường sống. Có một bộ phận có hành vi bị ảnh hưởng bởi tàn dư xã hội cũ, dựa theo việc mình ở địa bàn nào thì có quyền hành xử theo cách mình nghĩ. Đây có thể xem như một thói quen cố hữu có tính chất văn hóa tiểu nông, chỉ thấy cá nhân thay vì thấy cả hệ thống, thấy luật lệ chung.
“Có nhiều vụ án ban đầu chỉ đơn giản là gây sự, gây gổ bình thường mà lại dẫn đến xử lý hình sự. Vì vậy, tính chất địa phương cục bộ làm ảnh hưởng đến ứng xử của con người trong cuộc sống”.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thực thi pháp luật chưa được chặt chẽ dẫn đến việc có một số người khi ra đường cũng không xem trọng người khác nghĩ gì, coi cái tôi của bản thân cao hơn hết thảy trong các mối quan hệ với người xung quanh.
|
Trong những vụ xô xát, án mạng vì mâu thuẫn giao thông, một đặc điểm chung là thủ phạm ứng xử rất tùy tiện, không có phép tắc và giới hạn đạo đức |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Như Chính, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhưng văn bản này vẫn chung chung, hình thức, cần phải tổ chức thực hiện, giám sát, xử lý vi phạm để bộ quy tắc đi vào cuộc sống. Ngay cả các phần thi sát hạch lái xe, cũng cần chú trọng hơn tới vấn đề đạo đức tài xế.
“Ngoài việc đưa lý thuyết, thực hành cần có 1 phần liên quan đến đạo đức người lái xe và bắt họ phải xử lý những tình huống thực tế đấy. Thậm chí tạo tình huống đột xuất có thể là va chạm rồi kiểm tra xem thực tế như vậy họ ứng xử như thế nào. Như vậy mình sẽ giáo dục được họ từ lúc bé đến khi ra ngoài xã hội, kiểm soát bằng pháp luật, kiểm soát ừ quy định cấp bằng lái xe”.
Đồng quan điểm, chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, quy tắc ứng xử nơi công cộng, đạo đức khi tham gia giao thông chưa được chú trọng đã dẫn tới những suy nghĩ xem nhẹ trách nhiệm của bản thân với cộng đồng. Điển hình như có những người đầy đủ tri thức, hiểu biết pháp luật nhưng vẫn hành xử đe nẹt, bạo lực người khác.
“Ở đây xuất phát từ văn hóa nhường nhịn hay không nhường nhịn. Những hành vi này phản chiếu rất nhiều bình diện. Đó là thói quen sinh hoạt, văn hóa có tính chất tiểu nông, cái thói vị kỷ trong hành xử ở nơi công cộng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. Còn nếu không thì là sự không coi trọng luật pháp”.
Trong khi đó, Luật sư Trần Tuấn Anh – Công ty Luật Minh Bạch nhận định, các quy định pháp luật để xử lý việc hành hung, cố tình gây thương tích khi va chạm mẫu thuẫn giao thông đã có khá đầy đủ trong Nghị định 167 năm 2013 về trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, mgười bị xử lý vi phạm hành chính thì bị coi là có tiền sự. Nếu nặng hơn nữa, thương tích gây ra trên 11% thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích. Nhưng có lẽ, người dân ngại các thủ tục, nên thường tự giải quyết mà không nhờ pháp luật.
“Vấn đề này theo tôi, xuất phát từ ảnh hưởng về mặt tâm lý của người Việt Nam trong thời gian vừa qua, tức là chúng ta đang dùng cảm xúc để điều tiết hành vi nhiều hơn là dùng pháp luật. Có lẽ rằng nó xuất phát từ câu chuyện là nhận thức pháp luật của người Việt Nam còn khá hạn chế”
Luật sư Trần Tuấn Anh ủng hộ Bộ GTVT tăng thêm thời gian học đạo đức, học cách phòng chống tác hại của rượu bia trong quá trình sát hạch, cấp bằng lái xe từ năm 2020. Tuy nhiên, lưu ý cần phải chú trọng việc kiểm tra, giám sát.
“Hầu hết là chúng ta bỏ qua giai đoạn này. Chúng ta chỉ coi nó như một điều kiện để qua mà thôi. Dẫn đến việc người tham gia giao thông không tôn trọng đối với việc học đấy. Chúng ta cứ ban hành, tăng thời gian tiết học, kéo dài thời gian học ra 6 tháng, thậm chí 1 năm nhưng chúng ta không triển khai trên thực tế, công tác kiểm tra thanh tra giám sát bỏ ngỏ thì các quy định đấy cũng chỉ nằm trên giấy mà thôi”.
Bạo lực phô bày sự yếu đuối
|
Bạo lực khi tham gia giao thông không phải câu chuyện mới trên đường phố |
Bạo lực khi tham gia giao thông không phải câu chuyện mới trên đường phố Thủ đô. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, từ người điều khiển phương tiện cơ giới tới thô sơ, từ người trẻ tới người già, từ xô xát tới án mạng.
Tôi vẫn nhớ như in một vụ va chạm nhẹ trên phố Đội Cấn. Dù hậu quả không lớn, nhưng đọng lại những điều đáng suy ngẫm.
Trưa hôm ấy, sau cú va với một xe 7 chỗ, người phụ nữ điều khiển xe máy ngã xõng xoài ra giữa đường. Khi chưa kịp định thần, chị bị viên tài xế ô tô hùng hổ lao tới, chửi mắng thậm tệ. Người phụ nữ trong cơn ê ẩm và hoảng loạn, cứ thế đứng chịu trận.
Đúng lúc ấy, một thanh niên đầu trọc cởi trần, cầm điếu cày từ quán trà gần đó sấn tới, túm lấy cổ áo viên tài xế, quát lớn, yêu cầu cư xử đúng mực. Trước sức ép bất ngờ và bề ngoài đáng gờm của người thanh niên, viên tài xế lộ vẻ hoảng loạn. Ông ta lập bập dắt xe vào lề đường, giọng xụi lơ hỏi thăm nạn nhân, rồi thoăn thoắt lẻn lên ô tô, rồ ga biến mất.
Sự việc đã chẳng có gì, nếu viên tài xế không chỉ nhận ra lỗi của người phụ nữ khi dừng xe đột ngột, mà còn thừa nhận lỗi của mình không đảm bảo tốc độ và khoảng cách. Sẽ chẳng có tình thế tẽn tò cho ông ta, nếu chịu nhún nhường gửi một lời hỏi thăm và ga-lăng dựng xe cho người phụ nữ.
Và nếu không có hành vi nghĩa hiệp của người thanh niên, sẽ chẳng ai, kể cả tôi, nhận ra: đằng sau thói ỷ mạnh hiếp yếu, thích bạo hành bằng lời nói từ tài xế là một bộ mặt lươn lẹo, yếu đuối của gã.
Lạ thay, chính những kẻ thích bắt nạt người khác lại là những người hèn nhát nhất khi bị bắt nạt!
Thực tế, viên tài xế này vẫn còn may mắn nếu so với các vụ va chạm giao thông dẫn tới xô xát khác, vốn bắt nguồn từ sự thiếu kiềm chế, ưa bạo lực của người trong cuộc.
Còn nhớ, một lái xe Mercedes rẽ từ phố Hàng Gai vào Hàng Mành, do vướng xe máy nên cự cãi, xô xát với một thanh niên. Người lái ô tô dùng dùi cui kim loại và bình xịt hơi cay đuổi đánh đánh thanh niên đi xe máy. Dù người này đã xin tha, nhưng vẫn bị dồn ép. Trong bước đường cùng, thanh niên rút dao đâm vào ngực viên tài xế, khiến nạn nhân tử vong sau đó.
Đã có những phân tích từ các nhà tâm lý học rằng, bạo lực là cách để giải phóng sự giận dữ, bất lực của bản thân ra bên ngoài. Kẻ sử dụng bạo lực thích thị uy sức mạnh cá nhân, nhưng ẩn sau đó là sự yếu đuối, thiếu hụt nội tâm. Họ cố găng hành xử ngược lại, cốt che đậy sự thật của bản thân.
Một người cha từng dạy con bài học về sự kiên nhẫn rằng, “khi bị các bạn bắt nạt, nếu con ra tay trước, con sẽ là kẻ thua cuộc!”. Bài học này càng có lý trong một xã hội mà nhiều người hành xử theo lối thích ăn thua, được mất. Khi bất đồng, họ nghĩ ngay đến bạo lực để khiến người khác phải thua, mình phải thắng.
Suy cho rằng, giáo dục tâm lý, môi trường sống, các chế tài xã hội sẽ góp phần kiểm soát bạo lực. Nhưng nhận thức của mỗi cá nhân luôn đứng ở vị trí hạt nhân.
Những người dùng bạo lực và sau đó bị bạo lực sẽ hiểu hơn ai hết giá trị của ôn hòa. Vị tài xế xe 7 chỗ và lái xe Mercedes, người thì nhận được bài học đích đáng, người thì mãi mãi không còn cơ hội để nhận ra.