Đi lên vỉa hè bất chấp có barie ngăn cản. Ảnh: Hà Anh
|
Thủ phạm tàn phá vỉa hè
Đi xe lên vỉa hè vốn là câu chuyện “xưa như diễm” ở Việt Nam. Đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hành vi này xuất hiện gần như cùng lúc với tình trạng ùn tắc giao thông khi lưu lượng phương tiện dần vượt quá công năng của hạ tầng giao thông. Ban đầu, những hiện tượng đơn lẻ, xuất hiện ở một số điểm ùn tắc “kinh niên”. Nhưng dần dần, khi nạn ùn tắc ngày một nghiêm trọng và lan rộng, việc đi xe lên vỉa hè không còn là những cá thể đơn lẻ mà xuất hiện ngày một đông hơn, nghiêm trọng hơn, đến mức người ta không còn coi đó như hiện tượng nữa, mà gọi thẳng là “vấn nạn”. Vấn nạn này đã xuất hiện và tồn tại hàng chục năm nay, bất chấp lực lượng chức năng các địa phương tổ chức không biết bao đợt ra quân xử lý và cộng đồng, dư luận ra rả lên án.
Hậu quả của việc đi xe lên vỉa hè chắc không cần phải bàn. Đầu tiên là tình trạng vỉa hè bị hư hỏng, xuống cấp dù vẫn liên tục được bảo dưỡng, sửa chữa và thậm chí thay mới. Đi dọc các tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội, không khó để chúng ta nhận ra những vỉa hè sụt vỡ nham nhở, nhiều viên đá lát vỡ vụn, cập kênh và trở thành những chiếc bẫy vô hình với người và phương tiện đi trên đó. Đơn cử tại nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến.
Vỉa hè nơi đây mới được lát lại cách đây không lâu nhưng đã xuất hiện điểm hư hỏng nặng. Thậm chí có nơi, đá lát vỡ vụn, để hở lớp vữa bở phía dưới, mỗi lần đi qua lại bụi tung mù mịt. Cả hai đường Khuất Duy Tiến và Nguyễn Trãi là tuyến đường trọng điểm của TP với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông hàng ngày rất đông đúc. Đặc biệt, nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi chính là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm trong ngày. Nhưng vẫn có cả trăm người điều khiển xe máy lao lên vỉa hè, thậm chí nhiều nơi trên vỉa hè thành chỗ đậu ô tô. Với việc bị “giày vò” liên tục bởi những dòng phương tiện như thế, dù đá lát vỉa hè có tốt như thế nào cũng khó trụ được.
Thói quen tham gia giao thông tùy tiện
Nhìn nhận vấn đề trên góc độ văn hóa, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian (xin không nêu tên) cho rằng, nguyên nhân của hành vi đi xe trên vỉa hè hiện nay có nguồn gốc sâu xa từ thói quen sinh hoạt tùy tiện của một bộ phận người dân sống tại các TP lớn. Những người này kinh qua quá trình đô thị hóa nhưng lại không chịu hoặc không kịp “đô thị hóa thói quen sinh hoạt” của mình, nhất là đối với thói quen tham gia giao thông. Thế nên, khi ra đường, tham gia giao thông một cách rất tùy tiện, tùy hứng. “Đường tắc chỗ nào họ tìm cách thông luồng sang chỗ khác để đi sao cho nhanh nhất. Vỉa hè đương nhiên là lựa chọn đầu tiên và gần như duy nhất. Lâu dần, cách đi đó thành thói quen, thậm chí họ còn cho rằng đấy là cách tham gia giao thông khôn ngoan nhất, thông minh nhất” – vị chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, những thói quen sinh hoạt có thể thay đổi được nếu như có những thiết chế khắt khe. Nói một cách cụ thể hơn, nếu như hành vi đi xe lên vỉa hè bị xem là vi phạm và bị xử phạt nghiêm ngay từ lúc mới xuất hiện thì có lẽ đã không bùng phát, lan rộng và trở thành một “vấn nạn” thật sự đối với giao thông đô thị như bây giờ. “Lúc đầu chúng ta xem đây như một thói quen xấu. Nhưng khi thói quen xấu đó không có thiết chế đủ nghiêm để sửa, nó lập tức trở thành vấn nạn” – vị chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, khi người tham gia giao thông cố tình đi xe lên vỉa hè, đương nhiên đây là hành vi sai phạm và cần phải lên án. Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện thì một phần trách nhiệm của vấn đề này thuộc về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cơ quan chức năng. Bởi không ít tuyến đường, những nút giao, việc tổ chức giao thông không thuận lợi, thiếu khoa học, gây bất lợi cho người tham gia giao thông. Trong đó, nhiều người đã tìm cách “xé rào” bằng cách đi ngược được hoặc lao xe lên vỉa hè để tự tìm sự thuận lợi cho mình.
Cần thượng tôn pháp luật
Trên thực tế, hành vi đi xe lên vỉa hè đã được “luật hóa” trong nhiều văn bản pháp lý từ lâu với những chế tài xử phạt rất rõ ràng. Đơn cử, trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt đối với người điều khiển xe máy đi lên hè phố (vỉa hè) quy định, người điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Trước đó, trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng quy định, người đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng. Nếu hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông thì những người điều khiển phương tiện trên còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. Mới nhất, Nghị định 100/2019-NĐ-CP quy định, hành vi điều khiển ô tô đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng, còn điều khiển xe máy đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, chế tài xử phạt đối với hành vi đi xe lên vỉa hè là rất rõ ràng và có từ lâu nhưng đến nay gần nhưng những chế tài này chưa thể đi vào cuộc sống đúng với kỳ vọng. Một phần nguyên nhân do lực lượng chức năng quá mỏng, khó xử lý hết. “Hành vi đi xe trên vỉa hè xảy ra nghiêm trọng nhất tại các nút giao có ùn tắc. Nhưng đó là thời điểm lực lượng CSGT phải tập trung vào nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông nên rất khó để xử lý những trường hợp vi phạm này. Mà có muốn xử phạt cũng không xuể” – luật sư Bùi Đình Ứng phân tích.
Tuy nhiên, theo chuyên gia pháp lý này, để tình trạng đi xe lên vỉa hè trở nên nhức nhối như hiện nay một phần cũng do các cơ quan chức năng chưa làm hết được trách nhiệm. “Chế tài đã có, nếu cứ thẳng tay xử phạt và phạt thật nghiêm đương nhiên sẽ không còn ai dám vi phạm. Nếu lực lượng CSGT không thể làm hết có thể huy động các lực lượng khác vào cuộc. Chỉ cần “thượng tôn pháp luật” thì không có vấn nạn nào không xử lý được” – luật sư Bùi Đình Ứng nói.
Việc đội mũ bảo hiểm lúc đầu tưởng khó khăn, tuy nhiên chúng ta vẫn đưa vào cuộc sống được nữa là cả những phương tiện giao thông hàng ngày đi lên vỉa hè. Nếu tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm, cùng làm hết trách nhiệm thì chắc chắn sẽ dẹp bỏ được vấn nạn này.
Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội
|