|
Hà Nội ban hành kế hoạch phát triển du lịch năm 2023. |
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời, tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng, cơ cấu khách du lịch bảo đảm tính bền vững...
Theo đó, thành phố định hướng phát triển du lịch Thủ đô, bảo đảm bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước; vừa là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Tập trung các nguồn lực phát triển, hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn, có lợi thế, tiềm năng để phát triển đột phá giai đoạn tới, gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Thành phố cũng triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế. Tập trung các giải pháp nhằm tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế thông qua các giải pháp: Định hướng khách du lịch tham gia vào các tuyến du lịch được đầu tư chuyên nghiệp, bài bản. Định hướng dòng khách du lịch sẽ tham gia các tuyến, hoạt động du lịch và có lưu trú tại khu vực ngoại thành trước khi đến tham quan du lịch khu vực trung tâm thành phố.
Song song đó, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đêm, các hoạt động trải nghiệm gia tăng tại các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm. Phát triển và hình thành các sản phẩm quà tặng đặc sắc, độc đáo của du lịch Thủ đô. Thu hút và đầu tư các điểm bán sản phẩm du lịch quà tặng trên địa bàn thành phố...
Để làm tốt các nội dung trên, thành phố yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có tác động ngay và hệ thống chính sách dài hạn có tác động thúc đẩy ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch trong quá trình phục vụ khách du lịch. Đặc biệt là huy động mọi nguồn lực, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, tour du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đáp ứng trải nghiệm của khách du lịch.