Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT nhằm cải tạo luồng, vũng quay tàu luồng hàng hải Quy Nhơn cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng.
Dự án nhằm cải tạo mở rộng luồng với chiều dài tuyến luồng 7km, chiều rộng đạt 140m, cao độ đáy luồng (-13m). Khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 3,05 triệu m3, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa của khu vực.
Sau khi ĐTM được phê duyệt mới có thể lập dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo. Nếu ĐTM có thể được phê duyệt sớm thì dự án có thể kịp khởi công trong năm 2024.
Ông Hồ Liên Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, thời gian tới, cảng sẽ duy tu khu nước trước bến của các bến số 2,3,4,5 để có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT đủ tải.
Tuy nhiên, luồng hàng hải chưa được nâng cấp và hiện chưa đạt chuẩn tắc ban đầu là -11m. Điều này ảnh hưởng tới hoạt động và hiệu quả khai thác của cảng.
Theo lãnh đạo cảng Quy Nhơn, thị trường vận tải biển trong nước và trên thế giới đang tiếp tục tăng kích cỡ tàu nhằm tối ưu hóa thời gian và tiết kiệm chi phí. Lượt tàu hàng đến các cảng biển nói chung, Cảng Quy Nhơn nói riêng để nhận/trả hàng hóa có xu hướng giảm về số lượt tàu nhưng tăng về tổng dung tích, trọng tải tàu nhằm tăng khối lượng vận chuyển nhưng tiết giảm chi phí vận tải biển, chi phí logistics XNK.
Tại Cảng Quy Nhơn, nhu cầu khai thác dòng tàu 50.000 DWT đầy tải và 70.000 DWT giảm tải của các chủ hàng, chủ tàu là rất lớn và thiết thực.
|
Ảnh minh hoạ |
Hiện nay, sản lượng hàng container thông qua cảng Quy Nhơn khoảng 150.000 – 200.000 Teu/năm. Các tuyến dịch vụ của các hãng tàu thường ghé các cảng từ khu vực phía Bắc vào đến Quy Nhơn trước khi đi nước ngoài.
Việc hạn chế tiếp nhận tàu do giới hạn về tải trọng tàu, chiều dài tàu, mớn nước hành hải trên luồng, dẫn đến không tiếp nhận được tàu trọng tải lớn. Trong khi đó, cảng Quy Nhơn là điểm cuối trong hành trình của tàu trước khi rời Việt Nam, nên thường phát sinh các trường hợp tàu phải giảm tải từ cảng liền kề trước hoặc cắt bớt hàng Quy Nhơn, thậm chí bỏ chuyến tới Quy Nhơn.
Ngoài ra, các tuyến dịch vụ kết nối với tàu mẹ tại các Hub như Cái Mép – Thị Vải, Singapore, Hong Kong, các tuyến tài chính có nhu cầu khai thác Feeder có chiều dài trên 200m để tăng khối lượng vận chuyển, chạy tuyến dài hơn, giảm chi phí, hiện tại có thể ghé Hải Phòng, Đà Nẵng nhưng không thể ghé Quy Nhơn nhận, trả hàng.
Đội tàu hàng rời cố định cũng có trọng tải lớn khoảng 50.000DWT, thường phục vụ vận chuyển nguồn hàng dăm gỗ, viên gỗ nén, tole cuộn tại một số cảng thuộc Nhóm cảng biển số 2 và 3 có thể cập cảng Quy Nhơn để nhận trả hàng. Thế nhưng, chỉ có bến số 4 của cảng được phép tiếp nhận tàu.
Do đó, doanh nghiệp này cho rằng nếu dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn theo thiết kế sẽ nâng cao năng lực tiếp nhận tàu, hàng hóa thông qua cảng. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.