|
Phối cảnh đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh phối cảnh |
Đến nay, dự án đã thu hồi được 89,03% đất, di chuyển 6.332 ngôi mộ, đạt 62,95%. Trong tổng diện tích đất đã GPMB của Hà Nội, ban QLDA đã nhận được 643,43 ha (chiếm 91,04%).
Về công tác xây dựng khu tái định cư, dự án đang thực hiện 7 trên tổng số 13 khu và đã hoàn thành 1 khu trên địa bàn huyện Thường Tín. Dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2023, hướng tới bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023.
Đối với dự án thành phần 2.1 - xây dựng đường song hành trên địa phận thành phố Hà Nội, các nhà thầu đã tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 03 mũi thi công cầu. Hiện nay, dự án đã thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu: Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch; đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 14 cây cầu khác.
Việc xây dựng đường song hành sẽ được thi công đồng loạt trên toàn tuyến, bao gồm cả 16 cây cầu. Dự án thành phần 2.1 phấn đấu hoàn thành cuối năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.
Trong công tác di chuyển tuyến đường dây điện cao thế từ 110KV đến 500KV, Ban QLDA cùng đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và trình Sở Công thương thẩm định. Dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 10/2023 và hướng tới đấu thầu, ký hợp đồng trong tháng 11.
Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư hiện đang được hoàn thiện báo cáo giải trình bổ sung và hồ sơ Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hy vọng rằng trong quý IV/2023, UBND Thành phố sẽ hoàn thành phê duyệt Dự án thành phần 3.
Đối với cung ứng vật liệu phục vụ thi công dự án, dự kiến nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn 3 tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) là 9,656 triệu m3 đất, 7,5 triệu m3 cát.
Hiện nay, Ban QLDA đã chấp thuận 10 nguồn vật liệu cát đắp được cung cấp bởi mỏ có Giấy phép khai thác đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh lân cận. Trong đó có 7 mỏ thuộc tỉnh Phú Thọ, còn lại rải rác trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang; với tổng trữ lượng khoảng 12,881 triệu m3, công suất khoảng 0,715 triệu m3/năm.
Cùng với đó, hiện Ban QLDA đã chấp thuận 2 nguồn vật liệu đất đắp được cung cấp bởi mỏ khai thác đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh lân cận là Vĩnh Phúc và Hoà Bình với tổng trữ lượng khoảng 3,904 triệu m3, công suất khoảng 0,4 triệu m3/năm.
Trên địa bàn Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thẩm định hồ sơ đăng ký khai thác đối với mỏ cát Chu Phan (trữ lượng khoảng 4,77 triệu m3) của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex). Dự kiến trình UBND thành phố phê duyệt hồ sơ trong tháng 10/2023.
Đồng thời, với đề xuất cho phép Nhà thầu thi công được áp dụng cơ chế đặc thù khai thác mỏ đất đồi Gò Đỉnh phục vụ Dự án đường Vành đai 4, UBND đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Thành phố.
Để đảm bảo sự đa dạng về nguồn cung vật liệu phục vụ Dự án đường Vành đai 4, UBND Thành phố Hà Nội đã có Văn bản đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện cho đơn vị có đủ điều kiện được phép khai thác đất đắp tại mỏ đất xóm Cao (xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn trên địa bàn TP Hà Nội dài khoảng 59,2km. Dự án đi qua 7 quận/huyện bao gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là 793,80ha.